Đại dương tràn ngập rác thải
Các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu Monterey Bay Aquarium (MBARI) vừa gióng chuông cảnh báo về tình trạng ngày càng ngập rác dưới đáy đại dương.
Khi đề cập đến tình trạng ô nhiễm đại dương, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh đau lòng của những con rùa biển và chim bị ngạt do rác thải nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, dưới đáy đại dương cách mặt nước hàng ngàn mét, thực tế còn đáng báo động hơn.
Đa số rác thải ném xuống đại dương chìm dần và từ từ bao phủ cả đáy đại dương. Trong môi trường tối, nghèo oxy và có nhiệt độ thấp này, rác thải rất khó phân hủy.
Trong vòng 22 năm qua, các nhà đại dương học thuộc Viện MBARI đã dùng camera điều khiển từ xa để khảo sát đáy đại dương từ ngoài khơi California cho đến Canada. Nhờ những đoạn phim thu được, họ đã thống kê các loại rác thải và đưa ra kết quả phân tích trên tạp chí Deep Sea Research.
Đứng đầu các chất thải gây ô nhiễm là nhựa dẻo, đặc biệt nguy hiểm đối với đa dạng sinh học. Hơn một nửa các loại rác bằng nhựa dẻo là bao bì, túi xách. Dưới tác động của dòng chảy, các chất này trôi dưới đáy san hô và cuối cùng tiêu diệt loài sinh vật này.
Kim loại chiếm vị trí thứ hai với những lon thức uống, đồ hộp, kế tiếp là lưới đánh cá, chai thủy tinh, giấy các-tông, gỗ và vải.
Nếu một số loài sinh vật không sống nổi trong những môi trường ô nhiễm này, một số khác lại bám vào rác thải và dùng làm nơi cư trú. Tuy nhiên, điều này có thể gây sự biến đổi lớn vì loài sinh vật bình thường cư trú trên những bề mặt mềm mại như bùn.
HTV