Chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu

Trước đây, bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng thời gian gần đây, số ca mắc bệnh thủy đậu thường có quanh năm. Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu người mắc bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Vào thời điểm này, số người mắc bệnh thủy đậu đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Bệnh viện Da liễu Cần Thơ chưa đến mức lo ngại. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ở 2 bệnh viện này, lúc nào cũng có tiếp nhận khám, điều trị cho trẻ em và người lớn mắc bệnh thủy đậu.

Cháu N.T.N.T. 10 tháng tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng các mụn nước, bóng nước nổi lên ở toàn thân, đổ nhiều mồ hôi, quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ… Sau gần 5 ngày được chăm sóc, điều trị, các mụn nước cũng dần khô lại, giảm sốt, bé bớt đau rát, bớt khóc la. Chị Tr., mẹ cháu T. cho biết: “Vợ chồng tui lo đi làm suốt ngày nên để bé ở nhà cho ông bà chăm sóc giùm. Mấy hôm trước, thấy đứa bé ở gần nhà cũng bị bệnh này nên có thể con tôi bị lây bệnh. Khi các mụn nước bị bể đã làm cho cháu bị đau rát, cháu bức bối, khó chịu nên cứ quấy khóc liên tục”.

Bệnh thủy đậu không chỉ xuất hiện nhiều ở trẻ em mà ngay cả với người lớn cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, cho biết: “Bệnh thủy đậu không chỉ xuất hiện theo mùa mà hầu như các ca bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện có quanh năm. Người lớn, trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu do bệnh này rất dễ lây lan trong cộng đồng, nếu người dân không có những biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả”.

Cũng theo bác sĩ Nam cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 5-8 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi khuẩn Varicella – Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em nhỏ hơn 10 tuổi. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những nốt rạ. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100-500 nốt.

Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4-5 ngày. Ở trẻ em, trái rạ thường kéo dài khoảng 5-10 ngày, phải nhập viện theo dõi điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Trường – Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM cho biết: Thông thường thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Một biến chứng muộn thường gặp của trái rạ là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh giời leo. Đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Bệnh Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt,…

Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng I TPHCM cho biết, đây là loại bệnh do siêu vi khuẩn gây nên do đó rất dễ lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, nơi sinh sống, học tập, làm việc do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường không khí trong lúc bệnh nhân nói chuyện, hắt hơi. Hoặc qua sự tiếp xúc trực tiếp với quần áo, tấm drap trải giường… do chất dịch tiết từ bóng nước, miệng, hay mũi của người bệnh. Thậm chí, ngay trong thời kỳ ủ bệnh, tức là ở giai đoạn trước khi có hồng ban xuất hiện, đã có thể lây bệnh cho người khác hoặc đến khi những mụn nước đã vỡ ra, đóng vảy rồi, vẫn có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần gũi.

Thông thường, để tránh lây lan cho người khác, người mắc bệnh trái rạ nên nghỉ học, nghỉ làm việc khoảng một tuần kể từ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, tránh để dịch bùng phát diện rộng. Không nên phá vỡ nốt thủy đậu, cứ để tiến triển tự nhiên. Có thể dùng thuốc xanh methylen bôi sát trùng vết thủy đậu đã vỡ.

Bác sĩ Thạc cũng cho biết thêm, bệnh thủy đậu có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa vắc-xin để tránh mắc phải bệnh cũng như tránh được biến chứng của bệnh trái rạ là bệnh Zona sau này. Người dân có thể đến các bệnh viện sản nhi, trung tâm y tế dự phòng thành phố, quận, huyện để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn, tiêm ngừa bệnh thủy đậu.

Theo quan niệm dân gian, khi mắc bệnh thủy đậu, người bệnh phải kiêng cử, tránh tiếp xúc với nước và gió. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên môn, đến nay, chưa có một cơ sở khoa học nào chứng minh điều này là đúng. Trái lại, việc kiêng cử này còn nguy hiểm hơn cho người bệnh. Bởi nếu người bệnh không được tắm rửa, giữ vệ sinh cá nhân, quần áo, đồ dùng sinh hoạt sạch sẽ rất dễ bị nhiễm trùng ở các vùng da bị tổn thương và sự tồn tại của các ổ vi trùng trên da khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao. Người bệnh cần có ý thức và được cách ly tốt với mọi người xung quanh để tránh bệnh lây lan.

Điều quan trọng hơn nữa là người bệnh cần được chăm sóc và có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là với trẻ nhỏ nhằm giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng cơ thể, mau chóng khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe tốt. Người bệnh nên dùng những thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết.

Báo Cần Thơ

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.