Cho trẻ dùng thiết bị số – nên hay không?

Những thiết bị điện tử, kỹ thuật số, từ tivi, máy tính cho đến điện thoại di động, máy tính bảng… ngày càng xuất hiện dày đặc trong mỗi gia đình ở các đô thị. Dù thụ động hay chủ động, những đứa trẻ (từ 1 – 10 tuổi) đã tiếp thu kiến thức cũng như cách sử dụng những thiết bị này trong đời sống của chúng. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay cho trẻ sử dụng những thiết bị này.

Có nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị số – còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh: bé Mai Gia Bảo (5 tuổi, Q.5, TP.HCM) được tiếp xúc với máy tính bảng từ lúc 4 tuổi.

“Dụ dỗ” trẻ em

Bà Thuý Anh (quận 7) cho biết, để dỗ Trinh Khang, cậu con trai 2 tuổi “ăn đúng, ăn đủ”, phải dùng đến chiếc iPad của bà. “Mỗi khi cậu con trai có được chiếc iPad, muỗng to muỗng nhỏ gì cũng ăn hết. Cu cậu vừa chơi game, vừa ăn. Mà không phải bây giờ đâu, cách đây một năm đã dùng chiêu này. Lúc đó, chưa có iPad nên dùng điện thoại di động. Kinh nghiệm này từ một lần tình cờ cháu không chịu ăn, đưa điện thoại mở phim, mới chịu ăn”, bà Thuý Anh lý giải. Bà Anh cũng thú nhận, chưa biết chiêu trên có ảnh hưởng gì đến bao tử của bé không, nhưng trước mắt phải dụng đến chiêu này nhiều lần mỗi khi tới giờ ăn của con trai vì “tới giờ ăn của cậu con trai là một cực hình của tôi”.

Kinh nghiệm dùng máy tính bảng để dụ dỗ trẻ ăn uống không chỉ riêng gì bà Thuý Anh áp dụng mà hiện được nhiều bà mẹ áp dụng. Một bà mẹ (Phú Nhuận) cho biết, cô con gái 3 tuổi không chịu ăn nếu không cầm được chiếc iPad của bà, vừa ăn vừa xem hoạt hình. “Chưa biết lợi hại như thế nào nhưng từ khi áp dụng chiêu thức này, bé ăn nhiều hơn, trông mập mạp chứ không ốm nhom như trước”, bà mẹ kể. Cũng từ chiếc iPad này mà hiện cô con gái đã đọc được bảng chữ cái, cũng như nhận diện được nhiều icon trên màn hình, nhất là icon của Youtube, phim hoạt hình chuột Mickey, Tom & Jerry…

Hiểu được tính hấp dẫn của những nội dung trong những chiếc máy tính bảng và điện thoại di động với trẻ mà nhiều bậc phụ huynh đã dùng chiêu thức “có thưởng” cho chơi game, xem phim trên những thiết bị này nếu như trong tuần, trẻ phải đạt những tiêu chuẩn: “ngoan, chăm học, không quậy phá”. Bà Thanh Nga (quận 1) đã thành công trong việc dùng chiếc máy tính bảng của chồng để “trị” cậu con trai. Theo lời bà Nga, cuối tuần, nếu ngoan cậu sẽ được chơi game và xem phim hoạt hình trên máy trong 2 tiếng đồng hồ, còn không ngoan sẽ cắt phần thưởng này. Từ một cậu con trai hiếu động, nay con bà Nga đã ngoan hiền hơn. Cách đây một năm, bà Thu Hà (Phú Nhuận) còn băn khoăn về việc có hay không cho hai đứa con học lớp 3 và lớp 5 sử dụng các thiết bị di động, máy tính để bàn cho việc giải trí và học hành. “Nhưng nay, tôi không còn băn khoăn nữa. Nếu cấm sẽ kích thích trẻ tò mò. Chưa kể, cản trở chúng tiếp xúc sẽ cản trở tiến hoá của con người trong thời đại kỹ thuật số. Tôi cho hai đứa con tiếp xúc để bắt nhịp với thời đại. Không thể bắt một đứa trẻ ở đô thị chơi những trò chơi dân gian như cha mẹ chúng ngày xưa…”, bà Hà chia sẻ quan điểm.

Cứng rắn hơn

Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận rằng, dù không hướng dẫn trẻ sử dụng cũng như không khuyến khích trẻ “cắm đầu” vào các thiết bị số nhưng khi trẻ bắt đầu bập bẹ nói, biết nhận thức hình ảnh xung quanh mình, các thiết bị số là đối tượng được chúng quan tâm nhiều nhất. Bà Thu Thảo (quận 10) khá cứng rắn với cậu con trai hơn 2 tuổi trong việc sử dụng những thiết bị số mà họ có. Bà Thảo cho biết, không bao giờ đưa máy tính bảng cho con trai tự sử dụng. “Thỉnh thoảng tôi có mở cho cháu xem hình ảnh những con vật như con gà, heo, chó, mèo, những đoạn phim có tính giáo dục như trẻ tự vệ sinh, ăn uống, nhặt rác, dọn đồ chơi… để dạy dỗ”, bà Thảo bày tỏ. Còn bà Tú Diễm (Phú Nhuận) cương quyết không chấp nhận cho trẻ từ 1 – 6 tuổi tiếp xúc với các thiết bị số, từ chiếc điện thoại cho đến máy tính. “Trẻ cần được quan sát hình ảnh thật hơn là những hình ảnh trên màn hình thiết bị số. Khi cho trẻ dùng sớm, trẻ sẽ bị ghiền, từ đó sinh ra tính ù lì, suốt ngày chỉ biết đến máy tính bảng. Thời gian cho trẻ chơi với máy tính bảng, nên cùng chơi trò chơi xếp hình hoặc những trò vận động thực tế”, bà Diễm nói. Nhưng bà Diễm cũng “thòng” một câu: trẻ từ 6 tuổi trở lên mới cho tiếp xúc với các thiết bị số với thời lượng từ 15 – 30 phút/ngày.

Những mong mỏi

Dù có quan điểm “hiện đại” khi bàn luận về sự tự do của trẻ trong thời đại kỹ thuật số nhưng cuối câu chuyện, bà Thu Hà cũng có những lo lắng về sức khoẻ của trẻ, nhất là ảnh hưởng đến mắt khi tiếp xúc với các thiết bị số, cách sử dụng hiệu quả… “Giới y học cần có những đề tài nghiên cứu về trẻ với các thiết bị số để có những cảnh báo hữu ích cho các bậc phụ huynh: thời gian sử dụng, chọn thiết bị an toàn cho trẻ, sử dụng đúng cách. Còn với các nhà sản xuất, cần có những nghiên cứu nhân văn khi chọn lựa thiết bị phù hợp với lứa tuổi, nội dung hấp dẫn, có tính giáo dục cao, phần mềm hạn chế thời gian sử dụng…”, bà Hà khẩn khoản đề nghị. Bà Thanh Nga dẫn chứng, con của một người bạn đã bị bệnh tự kỷ chỉ vì sử dụng chiếc điện thoại thông minh quá nhiều. “Cô bé chỉ thích thui thủi với chiếc điện thoại để chơi game và xem phim trong khi những đứa trẻ cùng tuổi thích đi bơi, chạy nhảy trong những chuyến đi chơi xa. Vì vậy mà tôi lo ngại cho con trai của mình”, bà Nga kể lại trong nỗi hoang mang. Cũng theo bà Nga, dù nhà chật chội nhưng tôi phải mua cả cầu tuột để cậu con trai tiếp xúc với những trò chơi vận động. Ông Giản Ngọc Trung, phụ trách kinh doanh của Tinh Vân Ebook (chi nhánh TP.HCM), dù là nhà phân phối sản phẩm Classbook (máy tính bảng có tích hợp bộ sách giáo khoa từ lớp 1 – 12) cũng cho rằng, từ lớp 1– 3, chưa nên dùng sản phẩm này vì ảnh hưởng đến mắt, các bậc phụ huynh cần kiểm soát thời lượng sử dụng./.

(Theo sgtt)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.