Chỉ dẫn địa lý, cơ hội cho nông sản Việt Nam sang EU
Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen cho rằng: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) sẽ tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm, đặc biệt là các nông sản tại thị trường EU cũng như quốc tế.
Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo về bảo hộ và đăng ký Chỉ dẫn địa lý do Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban châu Âu tổ chức ngày 22/4.
Theo ông Franz Jessen, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA) có hiệu lực thì Việt Nam cần phải có những sản phẩm GI khi tiếp cận vào EU. Hiệp định cũng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đăng ký để được bảo hộ trực tiếp tại Liên minh châu Âu.
Tại hội thảo, các diễn giả đều cho rằng, GI là công cụ phát triển thị trường. Các sản phẩm GI sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và đương nhiên có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không có GI. Bên cạnh đó, GI còn là công cụ chống lại hàng nhái, hàng giả.
Ông Trần Hữu Nam, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng: không chỉ khai thác hiệu quả GI từ khía cạnh thương mại mà còn có thể giải quyết nhu cầu đa dạng về thực phẩm, an toàn thực phẩm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời GI góp phần phát triển văn hóa nông thôn cũng như văn hóa quốc gia. Hiện nước mắm Phú Quốc, một nhà sản xuất của Việt Nam mới được đăng ký GI tại EU đã mở đường cho việc đăng ký các sản phẩm GI khác của Việt Nam tại EU.
Theo thống kê của EU, hiện nay có khoảng 2.768 sản phẩm tại khối này có đăng ký GI, trong đó có đến 82% là nông sản và thực phẩm và tiêu thụ nội khối chiếm khoảng 20%.
chinhphu.vn