Cần khắc phục thực trạng “Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư”

Ngày 20/8, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức phiên họp lần thứ 20, phiên họp trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Cần Thơ chủ trì tại điểm cầu Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn

Có 25/39 đại biểu đăng ký đã trực tiếp chất vấn bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên họp này. Nội dung xoay quanh công tác chỉ đạo, điều hành; trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trong xây dựng, theo dõi thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh; trong thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật .

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội 144 dự án luật liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các Dự án luật cũng như tính khả thi và hợp lý của các Dự án trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh mà Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu và soạn thảo – như nhiều ý kiến Đại biểu quốc hội chất vấn – còn không ít bất cập, hạn chế và thiếu sót. Một số đại biểu bức xúc về thực trạng “Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư”, việc “nợ” các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản luật làm cho các “Luật bị treo” chưa đi vào cuộc sống . Bên cạnh đó là sự chồng chéo , bất cập và xa rời thực tế của một số Nghị định, thông tư mà chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản cần chặt chẽ và khoa học hơn. Một số đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề trách nhiệm xử lý đối với các văn bản ban hành có dấu hiệu vi phạm pháp luật và yêu cầu Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, tìm các giải pháp khắc phục.

Không quanh co, né tránh, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải trình thẳng thắn và khá thuyết phục nhiều vấn đề mà các đại biểu đặt ra. Những thiếu sót, tồn tại và vướng mắc sẽ tiếp tục được Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ ngành liên quan khắc phục và tháo gỡ để từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Trung Nghĩa

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.