Ăn uống trong ngày Tết
Xuân về, Tết đến, các món ăn, thức uống đầy ắp trong mỗi nhà – Đã bảo là “ăn Tết” mà! Thế nhưng đứng dưới góc độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm thì đôi khi điều đó lại không hay. Chúng ta nên điều tiết việc ăn uống trong những ngày này hợp lý hơn, nhằm đảm bảo trạng thái thoải mái, vui vẻ và giữ gìn sức khỏe cho mỗi người.
1. Việc dùng rượu bia
Ngày nay các loại thức uống có cồn (rượu, bia) thì vô số. Ngày Tết là dịp họp mặt, sum vầy mà thiếu các món này là mất ý nghĩa – nhất là với cánh “mày râu”! Chỉ xin đề nghị quý vị hãy nên thưởng thức nó như thế nào. Ngoài bia, là sản phẩm có độ cồn nhẹ (từ 3-5 độ), thực tế sản phẩm này khó có khả năng làm giả, chất lượng ổn định, nên mỗi người có thể “xử lý tình huống” trung bình từ 3 – 5 lon (hoặc chai 330ml) trong bữa tiệc; nhiều người ỷ vào “tửu lượng” và sức khỏe của mình, có thể “tới bến” với hàng chục lon! Về lý thuyết ở những người mạnh “đô” (do cơ thể có men alcohol dehydrogenase hoạt hóa tốt), nên ở những người này đạt ngưỡng say khá trễ; nhưng xin nhớ dung tích cái dạ dày chỉ có khoảng 1.500ml và lá gan của bạn khó chống đỡ với sự tấn công của chất ethanol từ bia, rượu một cách ào ạt!
Đôi với quý ông “sính” rượu mạnh (Whisky, Henessy, Chivas…), hãy nhớ các sản phẩm này có chứa trên 40 độ cồn ethanol! Và đừng tưởng rằng các sản phẩm đắt tiền là không có tạp chất như aldehyde, furfural, cồn bậc cao… Các loại rượu nho, rượu táo, rượu trái cây lên men thì có vẻ ít tạp chất kể trên, mà lại có nhiều chất khoáng như calci, kali, sắt, selen, phốt-pho, pholate…, các vitamin như vitaminc A, C, B6… Nhất là rượu nho đỏ có chứa nhiều hợp chất polyphenol, resveratrol, chất chống ôxy hóa flavonoid, lycopen, anthocyanins có tác dụng kích hoạt enzyme, có lợi cho chuyển hóa, hạ cholesterol và ổn định tim mạch. Người cao tuổi có thể dùng 1- 2 ly trong bữa ăn. Gần đây tình hình ngộ độc rượu thuốc cũng khá phổ biến, các chú, các bác cũng nên cảnh giác, không nên mua sản phẩm ngâm đủ thứ cây cỏ không rõ chủng loại và xuất xứ!
2. Các loại thức ăn cần lưu ý
Đã có vài nghiên cứu cho thấy lương thực ăn dung nạp vào cơ thể con người vào những ngày Tết trung bình cao hơn 2 lần bữa ăn ngày thường. Riêng tỷ lệ chất đạm (đặc biệt nguồn đạm động vật) chiếm tỷ lệ trên 40% (Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng, tỷ lệ chất đạm chỉ nên tối đa 20% trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày). Nên nhớ các món ăn từ hải sản, thịt gia súc, gia cầm, nhất là các phủ tạng (gan, ruột, mề, bao tử, huyết heo… ), nấm, măng tây… chứa nhiều nhân purine, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric, lắng đọng trong máu dễ dẫn tới chứng bệnh Gout (thống phong). Các vị nào lỡ mắc chứng bệnh này phải hạn chế tối đa các món vừa nêu, kể cả rượu, bia.
3. Các món ăn phụ có ích lợi
– Rau, quả tươi, nước ép trái cây: Như nước cam, nước bưởi, dưa hấu, dâu tây… Những loại này ngoài thành phần chất khoáng, vitamin, còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp thải loại các chất cặn bã từ cơ thể. Người già và trẻ em nên sử dụng các loại này, thay vì nước ngọt có ga.
– Nên tăng cường các món ăn lên men chua, như sữa chua (Yoghurt), dưa cải, dưa kiệu, cải tươi trộn giấm… Các men sinh học từ sản phẩm trên sẽ giúp cơ thể chuyển hóa dinh dưỡng rất tốt và giúp “quét dọn” các chất cholesterol xấu trong cơ thể do chúng ta ăn nhiều chất đạm, dầu mỡ.
4. Biện pháp tích cực
– Điều độ: Tốt nhất là điều độ trong các bữa tiệc. Bất khả kháng “lịch” liên hoan, tiệc tùng quá nhiều, thì chỉ nên thưởng thức có hạn các món ăn và rượu bia trong mỗi lần.
– Duy trì thời gian nghỉ ngơi: Dù bận rộn cách mấy, đối với người lớn cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 12 giờ mỗi ngày và dành cho giấc ngủ ít nhất 6 giờ.
– Tránh những hành động tiêu cực: Một số người áp dụng các “chiêu thức” như uống thuốc trước khi uống rượu, với các loại thuốc theo quảng cáo là chống say như RU-21, ME-21, Mewo hoặc dùng các loại thuốc như Aspirine, Tylenol, Paracetamol, thuốc chống nôn… Đây là việc làm nguy hiểm, vì có nguy cơ viêm loét dạ dày, dễ bị ngộ độc nặng hơn.
Thực tế nếu lỡ uống quá chén, chúng ta nên ngoáy họng để gây nôn, nhằm tống chất độc từ rượu ra khỏi cơ thể. Người tham gia uống rượu mạnh nên uống kèm nước tinh khiết hoặc uống nhiều nước canh, nước rau luộc, giúp làm loãng nồng độ rượu trong cơ thể. Người bị say có thể giải độc rượu bằng cách uống bột sắn dây pha với nước đun sôi hoặc dùng cháo nếp./.
(Theo Baocantho)