Những tiện ích mà chiếc điện thoại thông minh (smartphone) mang lại có thể khiến bạn phụ thuộc quá mức vào nó.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Sức khoẻ Hành vi, Bệnh viện Cleveland (Hoa Kỳ), việc lạm dụng điện thoại di động có thể giống như bất kỳ chứng nghiện nào khác. Và đây là hai dấu hiệu cảnh báo: chiếc điện thoại thông minh can thiệp vào cuộc sống của bạn, và bạn gặp những “triệu chứng cai” khi cố gắng tránh xa nó.
Hãy tự hỏi những câu hỏi dưới đây để kiểm tra “sức khoẻ” của mối quan hệ giữa bạn với “chú dế” của mình.
• Việc sử dụng điện thoại thông minh có khiến bạn bực mình hoặc khó tập trung vào công việc không?
• Bạn có nghĩ đến điện thoại ngay cả khi không sử dụng hay không?
• Bạn có cảm thấy mất kiên nhẫn và bứt rứt nếu bạn không cầm điện thoại không?
• Bạn có xem điện thoại liên tục và lâu hơn dự định không? Người thân có nói là bạn sử dụng điện thoại quá nhiều không?
Nếu việc sử dụng điện thoại của bạn ở trong “vùng nguy hiểm”, hãy thực hiện các bước để cắt giảm. Cố gắng dành ra một vài giờ “không điện thoại” mỗi ngày. Đặt mục tiêu và làm đúng những gì bạn định làm mà không có điện thoại, chẳng hạn như đọc sách hoặc ở bên gia đình.
Dành thời gian vào cuối ngày cho các hoạt động thư giãn như thiền hay nghe nhạc. Tắt điện thoại trong những lúc như vậy. Nếu điều đó quá căng thẳng, thì hãy tắt các cảnh báo.
Trên hết, đừng để điện thoại ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngừng sử dụng nó ít nhất một giờ trước khi đi ngủ – việc nhìn màn hình quá sát giờ ngủ có thể ảnh hưởng đến quá trình thư giãn tự nhiên của cơ thể trước khi ngủ thiếp đi. Và không sạc điện thoại trong phòng ngủ nếu định sạc qua đêm để không bị thức giấc nếu nhận được tin nhắn./.
Dân trí