Từ nhiều năm nay, người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) đã truyền nhau thông tin tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tồn tại một cây Mạy Noọng to lớn, hiếm gặp.
Gần như toàn bộ các cành cây đều được ong làm tổ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Theo tâm niệm của đồng bào dân tộc Thái, Mày Noọng là “cây thần” gắn liền với lễ hội Xên bản, Xên mường – một luật tục, nét đẹp trong đời sống tâm linh của bản làng. Đặc biệt, thông qua cây thần Mày Noọng, cộng đồng người Thái đã thể hiện được thái độ sống trân trọng, gìn giữ rừng khi cụ thể hóa bằng những luật tục bất biến từ nhiều đời.
Theo ông Tòng Văn Tính, 75 tuổi, bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, từ lâu, dân bản ở đây đã xem cây Mạy Noọng này là cây thần của bản, dùng làm nơi để tổ chức lễ hội Xên bản, Xên mường.
Cứ ba năm một lần, người dân trong bản lại làm lễ cúng tế cây thần. Trước kia, người dân nơi đây ở bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), ruộng vườn bị phá, họ phải di cư về đây để khai hoang, lập nên bản làng sinh sống. Khi đến đây, cây Mạy Noọng này đã có rồi. Cây thần này cao khoảng 40 mét, gốc nó nhiều người ôm mới xuể, trên cây có vô số tổ ong.
Đường kính thân cây gần 2m, phải 4-5 người ôm mới hết. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Ông Tòng Văn Tính cho biết trong đời sống tâm linh, đồng bào dân tộc Thái ở bản Púng Nghịu đã xem cây này là cây thần từ lâu.
Trong lễ hội Xên bản, dân làng dâng lễ vật gồm hai con gà, một con vịt, một con lợn khoảng 40-60kg.
Lễ hội được tổ chức, diễn ra ngay dưới gốc cây Mày Noọng với nhiều nghi thức đậm nét văn hóa bản địa, mang yếu tố cố kết cộng đồng và có sự tham gia của nhiều người là dân tộc Thái ở khu vực lòng chảo.
Cũng duy nhất dịp này, người dân mới được phép sinh hoạt trong khu rừng cấm, rừng thiêng của bản và tiếp cận được cây thần Mày Noọng.
Ngày bình thường, người dân ở đây bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng này, không cho ai vào đây lấy củi, chặt cây. Vì vậy, khu rừng này mới phát triển xanh tươi.
Theo ông Tòng Văn Tính, số lượng tổ ong trên cây này không thể đếm chính xác được, vì chưa ai leo lên cây bao giờ, còn đứng dưới đất nhìn lên để đếm sẽ hoa mắt, chóng mặt. Cũng không ai có ý định leo lên cây, vì sợ ong tấn công người dân và gia súc, gia cầm trong bản.
Theo ông Tòng Văn Tính, Púng Nghịu là một trong 18 thôn bản của xã biên giới Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hiện có 71 hộ dân là dân tộc Thái, định bản từ sau năm 1954.
Qua cây thần Mạy Noọng và lễ hội Xên bản, hàng chục năm qua người dân bản Púng Nghịu đã xem cả khu rừng phía sau bản là khu rừng cấm, rừng thiêng.
Nét độc đáo của cây thần Mạy Noọng và sự độc đáo trong đời sống văn hóa tâm linh đồng bào dân tộc Thái kết tinh trong lễ hội Xên bản, Xên mường.
Mô hình gìn giữ, phát triển rừng thông qua cây thần Mạy Noọng và lễ hội Xên bản, Xên mường của đồng bào dân tộc Thái cần được bảo tồn, nhân rộng./.
TTXVN/Vietnam+
Link: