Thông tin do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT với lãnh đạo các trường Đại học (ĐH) tổ chức cụm thi THPT khu vực phía nam từ Đà Nẵng trở vào, tại TPHCM, chiều 21/3.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga làm việc với các trường ĐH phía Nam. Ảnh: VGP/Nguyên Nguyễn
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay cả nước có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, trong đó có 14 tỉnh/thành phố chỉ có cụm thi do trường ĐH chủ trì.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các trường ĐH chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức thi. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ được cân nhắc lựa chọn để khoảng cách dịch chuyển cán bộ coi thi gần nhất. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã trao đổi với các trường trước khi quyết định giao nhiệm vụ.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm sao in đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của một hội đồng thi, xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.
“Để bảo đảm chất lượng coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi, ít nhất mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi của trường và tối thiểu 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Ngoài ra, các trường ĐH chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm do Bộ cung cấp để đánh số báo danh, sắp xếp phòng thi và hoàn thành giấy báo dự thi theo quy định trong phần mềm quản lý thi để các đơn vị đăng ký dự thi in giấy báo dự thi, ký tên, đóng dấu và gửi cho thí sinh trước ngày 12/6.
Về việc chấm thi, trường ĐH chủ trì lập ban chấm thi, điều động giảng viên đủ năng lực. Cán bộ chấm thi là cán bộ các bộ môn cơ bản của trường ĐH, CĐ, giáo viên phổ thông. Số giáo viên chấm thi của Sở GD&ĐT không quá 50% tổng số cán bộ chấm thi.
Kinh phí tổ chức thi lấy từ hai nguồn: Phí dự thi của thí sinh, 35.000 đồng/môn thi, và kinh phí bổ sung của Chính phủ 25.000 đồng/môn thi. Chi phí đi lại ăn ở của cán bộ điều động làm nhiệm vụ do ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ chi trả. Mức trả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.
“Năm nay, các trường ĐH chủ trì cụm thi có thể chấm thi tại chỗ hoặc mang về trường để chấm, trường nào chấm thi, trường đó công bố kết quả nên các trường cần tính toán phương án giáo viên chấm thi cụ thể. Các trường phải mở rộng băng thông đường truyền và nâng cấp hệ thống máy tính (nếu cần) phục vụ cho công tác công bố kết quả thi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.
Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn.
Ngoài ra, tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng tỏ ra băn khoăn về công tác chấm thi, đặc biệt là quy định số giáo viên chấm thi của Sở GD&ĐT không quá 50% tổng số cán bộ chấm thi.
Về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất Bộ cần có văn bản quy định không được để giáo viên địa phương chấm bài của học sinh mình, , đặc biệt là các môn thi tự luận, để bảo đảm tính công bằng giữa các cụm thi.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM cũng đề nghị không nên sử dụng giáo viên của địa phương chấm thi thí sinh của địa phương đó. Trong khi đó, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, GS.TS Mai Hồng Quỳ đề xuất: “Sau khi thi xong, nên đưa tất cả các bài thi về dọc phách tại TPHCM, sau đó tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên rồi đưa về địa phương chấm để tạo công bằng giữa các cụm thi”.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kết luận, về công tác chấm thi tùy tình hình các trường có thể mời giáo viên của các địa phương khác nhau nhưng phải bảo đảm chất lượng. Về các công đoạn trong kỳ thi nhất quyết phải tuân theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguyên Nguyễn/VGP