Hội thảo về đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”
Chiều ngày 11/11, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo về đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”. Dự Hội thảo có ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, lãnh đạo các sở ngành, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Cái Răng, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và soạn giả trên địa bàn.
Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng” do UBND quận Cái Răng kết hợp với Viện Kinh tế thành phố xây dựng.
Theo đó, phương án được chọn lựa là “Bảo tồn kết hợp giữa nguyên hiện trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh”. Quan điểm của phương án này là tôn trọng nguyên trạng; nhưng cần điều chỉnh lại giao thông, tăng cường công tác quản lý để phục vụ phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương hồ cũng như các thành phần kinh tế tham gia mua bán, kinh doanh du lịch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư thêm một số hạng mục phụ trợ như: cầu tàu, nhà vệ sinh công cộng, trạm dừng chân, du thuyền, khu bán đồ lưu niệm…
Dự kiến, tổng kinh phí khái toán cho phương án khoảng 63,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương trên 13 tỷ. Phần còn lại kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
Các đại biểu cho rằng, chỉ nên sắp xếp lại một số hoạt động để Chợ nổi an toàn và hiệu quả hơn, chứ không nên can thiệp quá sâu vào đặc tính tự nhiên của Chợ nổi. Bên cạnh, cần có giải pháp, chính sách và cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư tham gia mua bán nhằm tạo thêm sự nhộn nhịp, sôi động cho chợ nổi, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển du lịch; xây dựng thêm những sản phẩm du lịch đặc trưng; trang bị nhận thức và kỷ năng du lịch cho giới thương hồ cũng như tiểu thương mua bán trên chợ nổi.
Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Chợ nổi Cái Răng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của thành phố. Vì vậy, trên cơ sở phương án đề xuất, nên xem xét đến việc bảo tồn nguyên trạng, tránh tác động nhiều, giảm bớt đầu tư ngân sách và tăng cường huy động sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư.
Trước mắt, lãnh đạo thành phố lưu ý ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng đài quan sát, cầu tàu và khu vực bán hàng lưu niệm; chú ý đến công tác đảm bảo an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đề xuất của đề án, lãnh đạo thành phố yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát lại thực trạng cũng như nhu cầu thiết yếu của tiểu thương; lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đơn vị lữ hành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát triển chợ nổi để hình ảnh chợ nổi ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách. Về lâu dài, thành phố sẽ có chính sách ưu đãi để các hộ tiểu thương vay vốn buôn bán, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để con em họ được đến trường.
Đồng Khởi – Xuân Thủy