Giảm gần 90% sốt xuất huyết thể nặng nhờ vắc xin thử nghiệm
Sau 2 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sốt xuất huyết (SXH) kéo dài được 12 tháng. Các chuyên gia phòng ngừa dịch bệnh Việt Nam đang hy vọng vào loại vắc xin mới giúp ngừa được cả 4 týp gây bệnh SXH.
Sốt xuất huyết (SXH) luôn là 1 trong 5 bệnh truyền nhiễm có ca mắc và tử vong cao nhất tại Việt Nam. Ước tính trung bình mỗi năm, sốt xuất huyết khiến khoảng 94.000 trường hợp nhập viện với gần 100 ca tử vong. Các chuyên gia phòng ngừa dịch bệnh Việt Nam đang hy vọng vào loại vắc-xin mới giúp ngừa được cả 4 týp gây bệnh SXH, giúp giảm hơn 50% số trường hợp mắc mới.
Trẻ từ 2 – 14 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết
PGS. TS. BS. Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết như vậy trong hội thảo: “Hiệu quả vắc-xin ngừa sốt xuất huyết dengue và ý nghĩa thực tiễn cho cộng đồng”. Hội thảo này do Viện Pasteur TPHCM tổ chức ngày 3/11.
Hiện nay, vắc xin ngừa sốt xuất huyết đã được nghiên cứu vào giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trước khi vắc xin được phép lưu hành. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu về tình an toàn và hiệu quả của vắc xin. Vắc xin sốt xuất huyết được nghiên cứu ở 5 quốc gia lưu hành dịch SXH: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TPHCM thực hiện tại Long Xuyên và Mỹ Tho. 2.336 đối tượng được phân vào các nhóm một cách ngẫu nhiên, phân loại theo tuổi: 2-5 tuổi, 6 – 11 tuổi, 12 – 14 tuổi. Thời gian nghiên cứu bắt đầu từ tháng 9/2011. Nghiên cứu này dự kiến kéo dài 6 năm, đến cuối năm 2017.
Các trẻ được chia làm hai nhóm, một nhóm tiêm vắc xin sốt xuất huyết với 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 6 tháng; và một nhóm tiêm giả dược. Các đánh giá tính hiệu quả, các ca SXH, xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm mũi thứ ba.
Theo PGS. TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các số liệu bước đầu thử nghiệm của giai đoạn 3 này, cho thấy, hiệu quả bảo vệ không bị SXH ở từng týp có khác nhau: D1 (50%), D2 (35%), D3 &4 (75%).
Cho đến nay, hiệu quả phòng ngừa của vắc xin nói chung là 56,5%, sau 3 liều ngừa bất kỳ týp huyết thanh gây bệnh SXH. Mật độ mắc ở nhóm tiêm là 1,8%; so với nhóm tiêm giả dược là 4,1%. Vắc xin giúp giảm SXH ở thể nặng là 88,5%.
Sau 2 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài được 12 tháng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện ra dấu hiệu mẫn cảm nặng khi tiêm vắc xin như nhiễm trùng hay tổn thương. 4 ca tử vong trong nghiên cứu hoàn toàn không liên quan đến vắc xin (3 ca tử vong do tai nạn giao thông và 1 ca bị chấn thương ngực nghiêm trọng). Hiệu quả của vắc xin vẫn được các nhà khoa học Viện Pasteur TPHCM theo dõi đến cuối năm 2017.
Tại Hội thảo, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã trải qua rất nhiều đợt dịch SXH, đặc biệt, gánh nặng to lớn của bệnh liên quan đến 1 trên 20 trẻ em thuộc lứa tuổi (2-14 tuổi). Điều này gây ra một áp lực rất lớn cho các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe, khi bệnh SXH chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu.
Các chuyên gia y tế hy vọng vào một loại vắc xin mới giúp loại trừ hoặc thanh toán bệnh. Vắc xin sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, góp phần giảm 50% tỷ lệ tử vong và 25% tỷ lệ mắc bệnh do SXH vào năm 2020 do tổ chức Y tế Thế giới đề ra.
Đồng thời TS. Phu nhấn mạnh, cho dù sau này, nếu vắc xin SXH được phép lưu hành, phòng bệnh vẫn cần thiết từ những biện pháp khác: ngủ mùng, dọn dẹp sạch nhà cửa, đậy kín các vật dụng chứa nước…/.
Dân trí