Vi phạm an toàn hàng không: Không chỉ phạt tiền là xong
Việc quản lý an toàn, an ninh hàng không vẫn còn lỗ hổng và sơ hở cần có giải pháp khắc phục sớm.
Báo cáo từ Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2014, mặc dù công tác an toàn hàng không đã không để xảy ra bất kì vụ tai nạn nào. Tuy nhiên, đã có 145 vụ việc vi phạm về an ninh, an toàn hàng không, tăng đột biến hơn 95% so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác kiểm soát an ninh hàng không. (Ảnh: KT)
Hành khách phớt lờ quy định
Đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm, đã có 62 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định. Nghiêm trọng hơn, đã có 7 vụ hành khách tung tin có bom, vật liệu nổ trên máy bay khiến nguy cơ an toàn bay bị uy hiếp, các hãng hàng không phải tiến hành chậm, hủy chuyến bay.
Đặc biệt, có tới 43 trường hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép như gậy điện, súng hơi cay, súng bắn nhựa… trong hành lý xách tay, hành lý ký gửi. Hầu hết các vụ vận chuyển súng săn, súng thể thao đều từ châu Âu (Pháp, Đức, Nga) về Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, mặc dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn có 21 hành khách được lực lượng an ninh phát hiện mang theo dao trong hành lý xách tay. Trong đó có nhiều trường hợp, khách mang lọt vật sắc nhọn qua cửa kiểm tra an ninh tại các nước trước khi vào Việt Nam.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, công tác phối hợp giữa Chi cục Hải quan của khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Cảng vụ hàng không miền Bắc, an ninh hàng không về quy trình kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc, vô chủ chưa được chặt chẽ, chưa thống nhất.
“Nhiều đối tượng có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm an ninh hàng không. Các hãng hàng không Việt Nam và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu chậm triển khai xây dựng tổ chức hệ thống an ninh độc lập”, ông Thanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) cho rằng, ngành hàng không đang có lỗ hổng từ việc kiểm soát tại sân bay. Vì vậy, cần phải tính toán lại trong việc phối hợp giữa lực lượng hải quan, hàng không và công an, để an ninh được siết chặt hơn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt câu hỏi lớn: Đã có tới hơn 40 vụ việc gây mất an ninh hàng không liên quan đến vũ khí, vậy Việt Nam có phải là một nơi dễ dãi trong việc vận chuyển vũ khí? Chúng ta đang thiếu thiết bị hay còn lỗ hổng, phải chăng công tác xử lý của chúng ta chưa nghiêm? “Nếu chẳng may để xảy ra sự cố thì rất khó lấy lại được hình ảnh và vị thế của ngành hàng không”, Phó thủ tướng lo lắng.
Không chỉ phạt tiền là xong
Tính chất và mức độ nghiêm trọng của các vụ vi phạm an ninh hàng không trong những tháng qua được đánh giá ngày càng gia tăng, tuy nhiên với những lỗi vi phạm cơ bản của tình trạng này tới nay vẫn chưa được khắc phục.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, phải lên án các hành động vi phạm an ninh hàng không như mở cửa thoát hiểm, nói đùa có bom… Xử lý nghiêm với người gây uy hiếp an toàn bay là quản lý bay như kiểm soát viên không lưu, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
“Quan điểm của tôi là thu tiền phạt ít nhưng tăng thời gian cấm bay, thực hiện nghiêm với người gây uy hiếp an toàn bay với người quản lý bay như kiểm soát viên không lưu, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự…” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm khảo sát an ninh để đánh giá biện pháp đảm bảo an ninh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo huấn luyện nhân viên an ninh được tăng cường, việc cấp giấy phép năng định cho lực lượng này cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở đào tạo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đào tạo cho hơn 6.100 học viên.
Nhiều lớp huấn luyện được tổ chức với sự phối hợp giảng dạy của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động. Đến nay, Cục Hàng không đã kiểm tra, cấp giấy phép và năng định cho 1.749 nhân viên an ninh, bao gồm an ninh soi chiếu, kiểm soát và cơ động.
(Vov.vn)