Đồng bằng sông Cửu Long: Cần cơ chế liên kết mới

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đến nay, tăng trưởng kinh tế vùng của ĐBSCL chưa bền vững, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu. Liên kết vùng giữa các địa phương chưa chặt chẽ, trong khi đây là mấu chốt chính thúc đẩy sự phát triển toàn vùng. ĐBSCL đang cần cơ chế liên kết từ Trung ương để giải quyết những yếu kém, bất cập và củng cố nội lực, vượt qua thách thức.

ĐBSCL cần nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Ảnh: T.Kiên

Nhiều khó khăn, lắm vướng mắc

Theo đánh giá của các địa phương, tuy huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đầu tư toàn vùng có bước phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Các đô thị được nâng cấp, cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ. Nhiều công trình quan trọng được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo cho ĐBSCL

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kinh tế – xã hội ĐBSCL vẫn còn không ít khó khăn. Hiện ĐBSCL có đến 3.328 doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh và tạm dừng hoạt động, tăng 10% so với năm trước; 2 mặt hàng chủ lực quốc gia là lúa gạo và thủy sản vẫn rất bấp bênh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân: “Đối với ngành gạo và cá tra, giá thấp, nông dân thiệt đủ đường, các chính sách cho phát triển vẫn chưa sát thực tế. Tình trạng tranh mua, tranh bán của các doanh nghiệp đối với sản phẩm cá tra đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Do vậy, cần được giải quyết thỏa đáng bài toán sản xuất và tiêu thụ để lập lại trật tự các ngành hàng”.

Bí thư Lê Vĩnh Tân đề xuất Chính phủ tháo gỡ 7 vấn đề, trong đó có những vấn đề nổi cộm như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu lớn; cơ chế kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng đề án tái cấu trúc nông nghiệp.

Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, ngành tôm cũng không ít vướng mắc. Xung quanh tín dụng tôm có nhiều chính sách, nhưng khó đến với nông dân. Thay vì chọn lựa khoanh nợ cũ, cho vay tiếp, song hành với bảo hiểm tôm khi nông dân gặp rủi ro thì ngân hàng lại ngưng cho vay để người dân vay ngoài nên lãi suất cao, khó trả nổi.

Là thành phố trung tâm vùng, Cần Thơ vẫn chưa hết khó khăn. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết: Hạ tầng kinh tế của Cần Thơ rất khó: cảng xây rồi nhưng không có luồng tàu; hạ tầng công nghiệp chưa có vườn ươm công nghệ, chưa có công nghệ cao; nguồn nhân lực còn thua so với nhiều vùng khác.

Bí thư Trần Thanh Mẫn kiến nghị Chính phủ tập trung khai thác luồng Định An, khai thác thêm các đường bay từ sân bay Cần Thơ, sớm thi công dự án QL91. Trung ương cần quan tâm đến các bệnh viện ở ĐBSCL, nhất là Cần Thơ. Điển hình như Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chỉ có 250 giường nhưng thường xuyên phải chữa trị cho hơn 600 – 700 cháu…

Nỗ lực liên kết vùng

ĐBSCL đang cần cơ chế, chính sách thiết thực từ Trung ương để giải quyết 4 vấn đề lớn, gồm: sản xuất và tiêu thụ nông sản; hạ tầng giao thông vận tải; nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết vùng. Đây là những trở ngại chính đối với sự phát triển của ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, cơ chế chính sách hiện hành cho sự phát triển ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập, rõ nhất là chính sách liên kết 4 nhà. Để nông nghiệp phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chính sách, các chính sách này sẽ được thực thi trong năm 2013.

Cụ thể như chính sách đối với sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo (sẽ bỏ quy định máy móc nội địa tỷ lệ 60%); bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm 2013; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi cá tra, tôm. Bộ sẽ sơ kết thực hiện chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 để trên cơ sở đó đề xuất cơ chế mở rộng thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp với cơ chế phù hợp hơn…

Về hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dù bộ mặt giao thông ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi nhưng kết nối rất hạn chế, nhất là luồng cho tàu vào sông Hậu, loay hoay 10 năm qua chưa xong, trong khi đây là lối ra cho hàng hóa nông sản. Kênh Chợ Gạo cũng loay hoay vì thiếu vốn. Trước đây, nguồn vốn phân cấp đầu tư cho hạ tầng giao thông ở ĐBSCL là 12.000-15.000 tỷ đồng/năm, nhưng năm 2012 chỉ có khoảng 6.000 tỷ đồng nên nhiều công trình phải đình hoãn. Trong đó, dự án cải tạo QL 91 từ km 14 tới An Giang chưa bố trí được nguồn vốn.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn vốn cho những công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông của khu vực. Tương tự, vấn đề liên kết toàn vùng, trong đó nổi lên liên kết quy hoạch toàn vùng để phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực; liên kết đầu tư và liên kết phân bổ vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết, phải triển khai ngay.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, liên kết vùng là yếu tố quyết định sự phát triển. Có liên kết sẽ hạn chế đầu tư dàn trải. Các bộ, ngành cần hỗ trợ vùng trong đổi mới, nâng chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhanh chóng đề xuất, sửa đổi một số cơ chế chính sách đã ban hành rồi, nhưng hiệu quả chưa cao và chưa sát thực tế để giúp các địa phương vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

(Theo SGGP)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.