Rơm không đủ bán

Nếu như trước đây, sau vụ lúa, rơm rạ thì đốt bỏ tại ruộng, còn hiện nay rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua, với giá 700.000 đ/ha. Không chỉ được mùa lúa, vụ lúa Đông Xuân này, nhiều nông dân phấn khởi, bởi tăng thêm thu nhập từ việc bán rơm rạ.

Những ngày này, dọc theo cánh đồng lúa các huyện Vũng Liêm, Tam Bình… đang vào vụ thu hoạch rộ. Khi những chiếc máy gặt đập liên hợp vừa thu hoạch xong thì có ngay chiếc máy cuốn đến vét hết rơm trên đồng bó thành từng cuộn nhỏ. Rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua, đem bán ra miền Trung, Hà Nội phục vụ cho việc tủ gốc hoa màu, trồng rẫy, đậy gốc thanh long,…Anh Bé Hai- thương lái chuyên mua rơm hơn 10 năm nay ở Mang Thít- cho biết, hiện nhu cầu sử dụng rơm tại nhiều tỉnh miền Trung rất lớn.

“Thời tiết ngoài đó nóng lắm nên họ mua rơm để đậy gốc thanh long. Để đáp ứng số lượng cung ứng, tôi phải đi khắp các tỉnh ĐBSCL để mua, trung bình mỗi ngày tôi chở bán khoảng 1.000 cuộn, với giá 2.000- 3.000 đ/kg, tùy thời điểm”- anh Bé Hai nói và cho biết thêm- hiện đầu tư một máy cuốn rơm cộng thêm đầu kéo khoảng 300 triệu đồng. Trung bình 1 công ruộng thu gom được 15 cuộn, mỗi cuộn từ 15- 17kg, tùy mùa vụ. Bình quân 1 chiếc máy thu hoạch trong 1 ngày được hơn 800 cuộn rơm.

rom1Rơm được chuyển ra lộ lớn, lên xe tải bán tại nhiều tỉnh miền Trung, ra tận Hà Nội.

Tại Vĩnh Long, từ năm 2014 Ban Quản lý dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015”, gọi tắt là dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu trên cây lúa” đã hỗ trợ nhiều cho nông dân mua máy cuốn rơm. Theo đánh giá, việc máy cuốn rơm được đưa vào sử dụng là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường, nông dân có thể tận dụng thu được phế phẩm nông nghiệp để phục vụ cho nhiều việc có ích khác, thân thiện với môi trường.
“Thấy nhu cầu sử dụng rơm ngày càng lớn, hôm rồi tôi đầu tư gần 300 triệu mua máy cuốn rơm. Đồng Vĩnh Long hết rơm thì tôi chạy đồng sang Trà Vinh, Long An, mua bao nhiêu cũng không sợ bán ế. Nếu nhu cầu tiêu thụ rơm tăng mạnh như hiện nay thì sẽ thu lại được vốn rất nhanh”- anh Bé Hai cho hay.

Hiện “đầu ra” của rơm khá cạnh tranh, bởi ngoài đậy gốc cây trồng, người dân địa phương còn mua trữ làm thức ăn cho bò. Cô Trịnh Thị Thúy (xã Bình Phước- Mang Thít) nói: “Nhà tui nuôi 2 con bò, không có ruộng mà đất trồng cỏ lại ít. Thêm vào đó, thời tiết mùa này nắng hạn nên cỏ không phát triển nổi. Tui phải tìm mua rơm về cho bò ăn đến tận đầu mùa mưa, chờ cỏ mọc”.
Chú Nguyễn Thanh Tân (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) cho biết: “Nếu như trước đây thu hoạch xong vụ lúa, gia đình đốt rơm ngoài đồng chuẩn bị vụ mùa sau thì khoảng 4 năm trở lại đây, rơm được thương lái tìm mua hết. Với trên 10 công ruộng, tôi có thêm vài trăm ngàn đồng từ loại phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi này”.

romViệc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất dần chất hữu cơ trong đất.

Còn theo chú Nguyễn Văn Bé (xã Tân Long Hội- Mang Thít), rơm đốt đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất chất hữu cơ đất. Bán rơm là cách hay nhất, vừa tiện lại vừa có thêm tiền. Giờ làm lúa lời cũng không bao nhiêu, nhờ có thêm khoản bán rơm nên cũng đỡ chi phí phần nào.

Theo ngành nông nghiệp, diện tích lúa cả năm ở ĐBSCL khoảng 7,5 triệu hecta, giả dụ chỉ bán 50% lượng rơm trong số đó, nông dân sẽ thu được hàng vài tỷ đồng. Ngược lại, việc đốt đồng không chỉ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất dần chất hữu cơ trong đất. Để rơm lại trên đồng rồi cày xới vùi xuống đất sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau.

Tại vùng ĐBSCL có khoảng 10 cơ sở chế tạo, kinh doanh máy cuốn rơm trong và ngoài nước sản xuất, chủ yếu là 2 loại: máy cuốn rơm liên hợp với máy kéo và máy cuốn rơm tự hành. Với nhu cầu tiêu thụ rơm tăng mạnh như hiện nay, máy cuốn rơm không chỉ nâng cao được giá trị của rơm mà còn tăng thu nhập cho người đầu tư máy làm dịch vụ cuốn rơm thuê hoặc kinh doanh rơm.

Nhiều nông dân cho biết, rơm gần đây có giá là do nắng hạn đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc chủ yếu là cỏ bị giảm dần, nên nhiều người mua rơm trữ. Thêm vào đó, nhu cầu trồng nấm, trồng rau, lót giỏ trái cây, củ quả khi vận chuyển tăng nên rơm hút hàng, được giá.

Báo Vĩnh Long

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.