Đồng Tháp cần xử lý nghiêm các phương tiện khai thác thủy sản mang tính tận diệt

Mùa nước lũ hàng năm là cơ hội để người dân nông thôn, nhất là các hộ nghèo khai thác nguồn thủy sản tự nhiên để mưu sinh. Thế nhưng việc khai thác bằng ngư cụ mang tính tận diệt của những ngư dân chuyên nghiệp đang diễn ra phổ biến tại các sông, kênh, rạch, trên đồng nước nổi ở tỉnh Đồng Tháp, không những tận diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn làm thiệt hại nghiêm trọng đến các dụng cụ đánh bắt thủy sản của người dân trên đồng nước.

Ảnh minh họa

Một trong những phương tiện khai thác thủy sản tự nhiên mang tính tận diệt là ghe cào điện. Khi thả dàn lưới xuống nước vừa chạm đất, chủ phương tiện cho nổ máy chạy với tốc độ cao lướt nhanh trên đồng nước, trên sông rạch, bất kể ngư lưới cụ của người dân đang giăng bắt cá, cua trên tuyến mà ghe cào đi qua. Một đường cào có thể từ vài trăm mét đến cả ngàn mét tùy theo địa hình đánh bắt mà chủ ghe cào quyết định. Khi kết thúc đường cào, dàn lưới được kéo lên không chỉ có cá lớn, cá bé mà rất nhiều loài thủy sản khác nằm trong lưới hầu như đều bị chết do điện giật và có không ít ngư cụ như: câu, lưới, lờ lọp của người dân cũng cuốn theo ghe cào.

Nông dân huyện Hồng Ngự cho biết, hiện nay cứ khoảng 5 đến 6 giờ chiều mỗi ngày, ghe cào điện bắt đầu hoạt động trên các cánh đồng đến suốt đêm. Sợ câu, lưới bị ghe cào kéo đi nhưng không ai dám đuổi vì hầu hết các chủ ghe cào đều mang theo hung khí như dao, mã tấu, búa để phòng tấn công nếu có ai cản chúng cào cá, các đối tượng đều là người từ địa phương khác đến.

Cũng ở huyện Hồng Ngự, chỉ một đoạn sông chưa đầy 6km trên sông Sở Thượng có đến 19 miệng đáy đặt đánh bắt cá, trong đó chỉ có 3 miệng đáy được UBND tỉnh cho phép khai thác, còn lại là người dân tự đặt đáy khai thác cá. Các miệng đáy này cũng dùng lưới có mắt lưới nhỏ hơn qui định, bắt tất cả các loại cá.

Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Đồng Tháp và Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các phương tiện khai thác thủy sản hoạt động trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra phát hiện nhiều phương tiện đang hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm các qui định như: sử dụng điện để khai thác thủy sản, lưới khai thác có mắt lưới nhỏ hơn quy định nhưng chỉ cảnh cáo, nhắc nhở bà con đánh bắt đúng qui định.

Theo Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự, hàng năm vào mùa lũ số lượng phương tiện tham gia đánh bắt thủy sản trên địa bàn tăng đột biến, trong đó có nhiều phương tiện khai thác sử dụng ngư cụ cấm hoặc chưa đúng quy định. Trạm cũng thường xuyên khuyến cáo bà con sử dụng phương tiện tham gia đánh bắt phải đảm bảo an toàn giao thông, các quy định về ngư cụ, nghiêm cấm tuyệt đối sử dụng điện để khai thác. Tuy nhiên, do đa số các chủ phương tiện hoạt động ở địa bàn giáp ranh, người dân ở địa phương khác đến huyện đầu nguồn Hồng Ngự khai thác nhiều nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Huyện tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra tình hình khai thác thủy sản trên địa bàn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân mưu sinh trong mùa lũ.

Không chỉ ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự, mà tại các huyện lân cận như Tân Hồng, Tam Nông và cả khu vực Đồng Tháp Mười cũng diễn ra tình trạng đánh bắt thủy sản theo hình thức tận diệt./.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.