ĐBSCL: Thị trường lúa, gạo chuyển biến sau tạm trữ

Sau 1 tuần kể từ ngày triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lúa, gạo ở ĐBSCL tuy chuyển biến còn chậm, nhưng giá đã tăng nhẹ.

Nông dân Hậu Giang tranh thủ thu hoạch lúa để bán lúa tươi cho thương lái do thị trường tiêu thụ đang thuận lợi.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi đầu ra vẫn thông thoáng và giá không bị sụt giảm dù đang vào vụ thu hoạch rộ.

Được mùa, được giá, nông dân phấn khởi

Hiện nay, các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… nông dân đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân chính vụ. Lượng lúa hàng hóa khá dồi dào, nhưng giá vẫn ổn định.

Cụ thể, lúa tươi cắt máy giống IR 50404 thương lái thu mua tại ruộng từ 4.200-4.300 đ/kg; các giống hạt dài chất lượng cao như OM 4900, OM 5451 dao động từ 4.600-4.700 đ/kg, lúa thơm Jasmine 85 từ 4.800-4.900 đ/kg. Mức giá này đã tăng so với thời điểm cuối tháng 2 khoảng 200-300 đ/kg và đảm bảo cho nông dân có lãi từ 25-30%.

Hòn Đất là huyện có diện tích gieo sạ lúa lớn nhất Kiên Giang với gần 82.000ha, chiếm hơn 1/4 diện tích lúa Đông Xuân 2014-2015 của toàn tỉnh. Đến nay, nông dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 9.000ha và sẽ vào vụ Đông vào trung tuần tháng 3.

Đi dọc theo những con đường trong huyện vào thời điểm này, bạn sẽ thấy những ruộng lúa vàng ươm, trĩu hạt. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy kéo lúc nào cũng rền vang. Tiếng người í ới gọi nhau trên đồng. Dưới các tuyến kênh, ghe hàng xáo của thương lái tấp nập thu mua lúa.

Vừa thu hoạch xong 10ha lúa, lão nông Lê Văn Thừa, ở xã Nam Thái Sơn phấn khởi chia sẻ: Lúc ruộng mới bắt đầu đỏ đuôi, giá lúa tụt xuống khá thấp, có lúc xuống dưới 4.000 đ/kg (lúa tươi IR 50404), nông dân ai cũng lo.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán và nhất là khi có thông tin Chính phủ cho triển khai thu mua 1 tấn gạo vụ Đông Xuân ở ĐBSCL, giá lúa đã tăng mạnh trở lại. So với trước Tết đã tăng hơn 300 đ/kg.

Vì vậy, cắt xong là ông Thừa bán lúa tươi hết, được 380 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 160 triệu đồng. Mức lợi nhuận như vậy chưa phải là cao, nhưng nông dân chấp nhận được.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, trong tháng 3 là thời điểm nông dân trong tỉnh bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2014-2015. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 128.000/305.000 ha, năng suất trung bình ước đạt 6,72 tấn/ha.

Một số địa phương năng suất đạt khá cao như: Tân Hiệp, Giồng Riềng 8 tấn/ha, Hòn Đất 7,4 tấn/ha, Giang Thành 7 tấn/ha… Nhờ có chính sách bao tiêu tạm trữ, mặc dù giá không cao, nhưng thị trường đầu ra đang khá ổn định, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đấy, không có cảnh ùn ứ hoặc khó bán.

Tại Hậu Giang, nông dân cũng đang bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2014-2015, với diện tích đã thu hoạch xong khoảng 20.000ha, năng suất bình quân đạt khá cao, trên 7,4 tấn/ha. Hiện tại, nông dân đang tranh thủ thu hoạch để bán lúa tươi cho thương lái vì thị trường tiêu thụ đang khá thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn An, vừa bán xong 2ha lúa, trả hết chi phí đầu tư còn dư được gần 35 triệu đồng, vui vẻ tâm sự: “Cứ tới vụ thu hoạch lúa là nông dân tụi tui ai cũng lo khâu đầu ra. Nếu không bán được thì chẳng biết chứa vào đâu vì nhà không có kho. Nhờ có chính sách tạm trữ mà lúc thu hoạch rộ vẫn bán được với giá tương đối cũng là mừng rồi. Lãi 15-16 triệu đồng/ha là nông dân tạm sống được. Chứ phơi khô mà chất đống ngoài ruộng, đêm nào cũng phải ra ngủ canh chừng thì mệt lắm. Lỡ gặp mưa trái mùa thì khổ to”.

Thị trường vẫn chuyển biến tốt

Thương lái tranh thủ đi thu mua lúa cho nông dân sau khi chính sách tạm trữ có hiệu lực.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay hầu hết các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL nông dân đều trúng mùa, năng suất đạt từ 1,2-1,3 tấn/công, một số hộ đạt tới 1,5 tấn/công.

Với năng suất như vậy, cộng với mức chi phí đầu tư vụ này thấp do lúa ít sâu, bệnh, nên dù giá đang ở mức 4.200-4.800 đ/kg lúa tươi (lúa khô cao hơn khoảng 1.000 đ/kg) nông dân vẫn có lãi, tối thiểu cũng ở mức 30%.

Anh Lê Tấn Khương, một thương lái thu mua lúa ở khu vực giáp ranh Kiên Giang-Hậu Giang cho biết, từ khi có quyết định tạm trữ cho đến nay, giá lúa, gạo ở ĐBSCL chỉ tăng nhẹ rồi chững lại, chứ không giảm.

Hiện, thị trường vẫn chuyển biến tốt. Các doanh nghiệp đồng loạt mở kho thu mua vào theo chỉ tiêu được phân bổ tạm trữ nên hàng về đều được tiêu thụ hết.

“Mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng nhận được cả chục cuộc điện thoại của nông dân gọi đến cân lúa. Vì vậy, 2 chiếc ghe của tôi lúc nào cũng chạy hết công suất, hết chở lúa về lò sấy, lại chạy ra ruộng cân lúa, kể cả lúc trời tối cũng tranh thủ mua hết cho nông dân mới nghỉ”, anh Khương tâm sự.

Giám đốc CTCP nông lâm sản Kiên Giang Phan Văn Đông cho biết, từ khi có quyết định tạm trữ cho đến nay, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL chuyển biến chậm, nhưng cũng đã kích thích giá lúa tăng thêm khoảng 200 đ/kg và gạo nguyên liệu tăng 300 đ/kg. Đồng thời làm cho thị trường lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng lúa của nông dân bị ùn ứ tại ruộng do thu hoạch rộ.

Theo ông Đông, trong đợt tạm trữ vụ lúa Đông Xuân 2014-2015, Công ty được phân bổ chỉ tiêu thu mua 17.000 tấn gạo. Tuy nhiên, thời gian Công ty triển khai thu mua chậm hơn so với thời điểm bắt đầu là ngày 1/3. Nguyên nhân là phải chờ nguồn vốn vay từ ngân hàng.

“Mặc dù chính sách thu mua tạm trữ đã có hiệu lực gần một tuần nay, nhưng thị trường lúa, gạo ở ĐBSCL vẫn chuyển biến khá chậm chạp. Một phần có nguyên nhân do một số doanh nghiệp vào cuộc chậm do phải chờ ngân hàng giải ngân mới có vốn để thu mua”, ông Đông nói.

Minh Khánh (VGP News)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.