Đẩy mạnh luân canh cây đậu nành trên đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị hiện trạng và giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giải pháp luân canh cây đậu nành ( đậu tương) trên đất lúa nhằm bố trí canh tác hợp thời vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng trong toàn vùng theo hướng phát triển lợi thế của địa phương, tăng cường hợp tác doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và hơn hết là ổn định sản xuất trồng trọt tăng thu nhập cho nông dân.

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất đậu nành trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Hầu hết đậu nành được sản xuất trong nước cũng như đậu nành nhập khẩu đều được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cho người và sau đó làm thức ăn chăn nuôi. Tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành năm 2012 lên 1.276 ngàn tấn với giá trị 755 triệu USD. Trước sự tiêu thụ cây đậu nành đang hấp dẫn cho nhà nông nên Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân và tìm giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa ở ĐBSCL. Hiện nay diện tích trồng đậu nành ở các tỉnh ĐBSCL tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, tổng diện tích trồng năm 2012 hơn 2.900 ha. Đậu nành ở ĐBSCL trồng được 2 vụ trong năm: đông xuân và xuân hè, trong đó xuân hè là vụ trồng chính. Phần lớn diện tích trồng lúa ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung ( Đồng Tháp), Chợ Mới ( An Giang), Ô Môn ( Cần Thơ) được thay thế bằng cây đậu nành trong vụ xuân hè. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Vĩnh Long còn có mô hình luân canh lúa đông xuân, đậu nành xuân hè, lúa hè thu.

Theo Viện di truyền nông nghiệp đánh giá, hiệu quả kinh tế của vụ đậu nành thường cao hơn trồng lúa và ngô. Theo số liệu điều tra ở tỉnh Đồng Tháp năm 2012, năng suất đậu nành 23 tạ/ha, 1 ha cho lãi cao nhất 15 triệu đồng/ha, có nơi lãi hơn 20 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng lúa lãi 12,5 triệu đồng/ha. Ngoài số lãi do bán đậu thì bà con nông dân còn đỡ được một đợt bón phân cho lúa hè thu sau đậu, do lượng đạm, phân hữu cơ mà thân, lá đậu để lại cho đất rất lớn. Cục Trồng trọt định hướng cho cây đậu nành ở ĐBSCL là rà soát các điều kiện về đất đai, khí hậu, những vùng đất không bị sâu trũng và không bị ngập úng để phát triển cây đậu nành. Tại ĐBSCL, trong cơ cấu lúa 3 vụ lúa đông- xuân, xuân- hè, hè- thu thì việc bố trí canh tác đậu nành vào vụ xuân hè là phù hợp nhất. Đồng thời ứng dụng bộ giống mới vào sản xuất như : Đậu nành VND2, Nam Vang, ATF15-1 có khả năng chịu lũ lụt vượt trội. Giống chịu hạn tốt : ĐK và VCB do Trường Đại học Thái Nguyên nghiên cứu, ngoài ra còn có 3 nhóm giống đậu nành khác ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 70-80 ngày, giống trung ngày thời gian sinh trưởng 85-90 ngày và , giống dài ngày thời gian sinh trưởng 95-110 ngày .

Về giống cây đậu nành Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đang quản lý gần 12 ngàn dòng lai F6 của 35 quần thể tái tổ hợp với nhiều tính trạng quý hiếm: chịu hạn, chịu úng, kháng tuyến trùng, kháng bệnh rỉ sắt, hàm lượng dầu cao…Đây là nguồn vật liệu phong phú, giàu tiềm năng để phát triển giống mới có định hướng, có triển vọng để phát triển giống đậu nành mới trong những năm tới. Hiện nay có 4 giống đậu nành mới đang phát triển tại ĐBSCL : Giống đậu nành HL 203, OMĐN 29, HL 07-15 và OMĐN 25-20.

Sự hấp dẫn và thuận lợi của cây đậu nành trên đất lúa, giúp ngành nông nghiệp định hướng có thể bố trí 10% diện tích lúa ĐBSCL ( khoảng 150 ngàn ha) thay một vụ xuân hè hoặc thu đông bằng trồng đậu nành, tại các vùng 3 vụ lúa thiếu nước tưới mùa nắng. Nâng cao tính cạnh tranh của cây đậu nành trên đất lúa trên cơ sở tăng năng suất lên 25-35 tạ/ha, giá thành 6.000 đồng/kg, giá bán cạnh tranh ngang với đậu ngoại nhập khoảng 12-13 ngàn đồng/kg, nông dân lãi 150% trên vốn cao hơn so với lúa 130%.

Hội nghị đưa ra định hướng để các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng đậu nành trên đất lúa, vì ngoài tăng lợi nhuận, trồng đậu nành còn giúp cắt đứt nguồn lây lan của dịch bệnh trên lúa, tăng năng suất cây lúa, hạn chế cỏ dại, cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trông hệ thống luân canh, tăng hiệu qủa kinh tế. Nông dân hình thành tổ sản xuất liên kết để tạo vùng sản xuất tập trung hàng hóa lớn thuận lợi cho việc tiêu thụ và khi tiêu thụ không bị ép giá. Khi mở rộng được diện tích trồng luân canh đậu nành với lúa, góp phần nâng cao sản lượng đậu nành trong nước, hạn chế được việc nhập khẩu loại nông sản này./.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.