Tục thờ Táo quân – một nét đẹp văn hoá Việt

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Quốc, Táo quân gọi nôm na là Vua bếp hay Ông Công ông Táo, được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà.

Tên đầy đủ của ngài theo tiếng Hán là “Đông trù Tư mệnh Cửu linh Nguyên vương Định phước Thần quân”, tục xưng Táo quân, hoặc Táo vương. Ngọc hoàng sắc phong cho ngài là “Ngọc thanh Phụ tướng Cửu thiên Đông trù Tư mệnh Táo vương Chân quân”, lại có hiệu “Đông trù Tư mệnh Định phước Chân quân” hoặc “Cửu thiên Tư mệnh Hộ trạch Thiên tôn”. Đông trù và Táo trong tiếng Hán đều mang nghĩa chỉ “nhà bếp, bếp”.

Truyền thuyết

Việt Nam và Trung Quốc có những truyền thuyết về Táo quân khác nhau.

Trong tín ngưỡng dân gian nước ta, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Đạo giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “Hai ông một bà”. Người Việt Nam vẫn còn lưu truyền câu ca “Thế gian một vợ một chồng; Không như vua bếp hai ông một bà” để nhắc lại sự tích Táo quân.

Theo sự tích này, ngày xưa có người tên Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi nhau. Một hôm, giận chồng đánh đập, Thị Nhi bỏ nhà ra đi rồi gặp và làm vợ Phạm Lang. Từ ngày vợ bỏ đi, Trọng Cao ngày càng sa sút, cuối cùng chẳng còn gì nên phải đi ăn xin. Một hôm, Trọng Cao đến xin đúng nhà vợ chồng Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhi đón Trọng Cao vào nhà, hàn huyên tâm sự. Bất ngờ, Phạm Lang về, Thị Nhi đành bảo Trọng Cao lánh vào đống rơm ngoài vườn. Trong lúc chờ vợ cơm nước, Phạm Lang ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Vì muốn chuộc lỗi xưa với vợ cũ và tránh cho Thị Nhi khỏi khó xử, Trọng Cao cam lòng chết thiêu trong đống rơm. Khi Thị Nhi phát hiện sự việc chạy ra thì thấy Trọng Cao sắp chết mà vẫn nở nụ cười. Hiểu tấm lòng của chồng cũ, lại ân hận vì vô tình giết chết chàng nên Thị Nhi cũng lao vào lửa, ôm lấy chồng cũ nguyện chết theo. Chứng kiến cảnh đó, Phạm Lang hiểu ra sự tình, thương vợ và ân hận vì đã gây ra hai cái chết của hai người, chàng cũng nhảy vào đống rơm đang cháy. Ngọc hoàng cảm động trước tình nghĩa của ba người, nên cho họ hóa thành ba ông đầu rau trong bếp lửa và sắc phong làm Định phúc Táo quân, mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp (Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân), Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa (Thổ địa Long mạch Tôn thần), và Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa (Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chánh thần).

Ở đây, có thể thấy sự tích này là cách lý giải của dân gian về nhiều vấn đề xã hội, kỹ thuật như tàn tích của chế độ mẫu hệ (hai ông một bà), kỹ thuật dùng tro than làm phân bón, tín ngưỡng tin vào một đấng tối cao (Ngọc hoàng hay Ông Trời), và nguồn gốc, cơ cấu của bếp lò (có ba đỉnh). Tổ tiên ta đã huyền thoại hóa một tiên đề hình học không gian cơ bản: “Qua ba điểm không thẳng hàng, luôn xác định một mặt phẳng” và ứng dụng nó trong cuộc sống bằng việc chế ra ông đầu rau, kiềng ba chân, hay cà-ràng, một loại kiềng đất có thể đặt trên thuyền để nấu nướng rất an toàn, phù hợp cho những người dân sống trên sông nước vùng Nam Bộ.

Nghi lễ cúng

Sở dĩ Táo quân được dân gian kính trọng vì ngoài việc coi sóc bếp núc để nuôi sống con người, ngài còn theo dõi và ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc hoàng (hay Nguyên Thủy Thiên Tôn, vị thần tối cao trong Đạo giáo). Theo sách “Kính Táo toàn thư”, “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh thần quân.

Ở Việt Nam, người Việt quan niệm ba vị Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình. Hằng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời, nhân tiện cúng gia tiên, nên ngày này gọi là “Tết ông Công”. Trong số lễ vật, người miền Bắc (từ Nghệ An trở ra) thường cúng một con cá chép sống rồi thả ra sông hồ. Có gia đình thả vào giếng hay bể, nuôi cá lớn với mong muốn cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông, bởi vì cá chép có thể hóa rồng để vượt qua chín tầng trời, đưa ông Táo gặp Ngọc hoàng. Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng cá chép giấy có kèm sẵn trong bộ quan miện của ông Táo. Người vùng Nam Trung Bộ trở vào không cúng cá chép mà đốt giấy in mộc bản hình “cò bay, ngựa chạy”. Người dân ở đây thường dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt… miễn là đồ ngọt. Món bánh thường là bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở. Riêng miền Nam lại cúng món bánh mè (vừng) gọi là “thèo lèo”.

Lý do cúng cá chép là vì loại cá này được người Việt và Hoa xếp đứng đầu trong các loại cá nước ngọt. Theo sách “Ngư loại học” của Trung Quốc, cá chép (lý ngư) có hơn 200 loại, hơn 2.000 giống, có sức bền bĩ, dẻo dai. Truyền thuyết cho rằng, cá chép có thể hóa thành rồng nếu vượt qua Vũ môn. Trong truyền thuyết của người Trung Quốc, Vũ môn (tức Long môn) là hai mỏm núi đá đứng sừng sững hai bên bờ một khúc sông Hoàng Hà, như hình cái cửa. Cửa này trước chật hẹp, khi Hạ Vũ trị thủy mới đục phá cho rộng thêm ra, nên gọi là Vũ môn (Cửa ông Vũ). Sách “Tam Tần ký” ghi: “Long Môn là nơi sóng dữ, cá khó vượt qua, nếu vượt qua được thì sẽ hóa rồng”. Còn theo sách “Thủy kinh chú”, tiết tháng ba, cá chép vượt qua được Long Môn hóa rồng. Theo “Ðại Nam nhất thống chí”, nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trướng (Giăng Màn) thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, là một dòng suối ba bậc. Tương truyền, mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng vượt Vũ môn để hóa rồng. Vì thế, ca dao có câu “Tháng ba cá đi ăn thề; Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn”. Với ý nghĩa này, người Việt dùng cá chép làm phương tiện đưa Táo quân về trời, đồng thời cũng cầu mong sự thành đạt, thăng tiến./.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.