Tài năng trẻ 18 tuổi này vừa xuất sắc trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên lọt vào vòng 2 của Australian Open – một trong 4 Grand Slam trẻ danh giá nhất của làng banh nỉ thế giới.
Tài năng trẻ 18 tuổi này vừa xuất sắc trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên lọt vào vòng 2 của Australian Open – một trong 4 Grand Slam trẻ danh giá nhất của làng banh nỉ thế giới. Sau 9 năm, từ xuất phát điểm là một cậu bé nhặt bóng, tay vợt quê Tây Ninh này đã tạo nên những kỳ tích khó tin với một nền tennis thuộc diện “đáy của vùng trũng”.
Tay vợt duy nhất dự 2 Grand Slam trẻ
Thêm giải trẻ Úc mở rộng 2015, Hoàng Nam sẽ trở thành tay vợt Việt duy nhất dự tranh 2 giải Grand Slam trẻ khác nhau. Năm ngoái, Nam đã là đại diện đầu tiên của làng banh nỉ góp mặt ở giải trẻ Pháp mở rộng. Trước đó, mới chỉ có Hoàng Thiên cũng từng góp mặt ở giải trẻ Úc mở rộng cách đây 3 năm.
Khác với cuộc đấu trên đất Pháp ở loại hình sân đất nện hãy còn quá lạ lẫm, lại phải đấu vòng loại, lần này, Nam đang rất hứng khởi và tự tin. Được vào thẳng vòng đấu chính, xếp hạt giống ở vị trí thứ 32, Nam xác định mục tiêu thiết thực là chuẩn bị và giải quyết tốt nhất từng trận 1, cho dù khả năng tiến sâu với những đấu thủ nhóm dưới phụ thuộc nhiều vào kết quả bốc thăm. Điều thú vị, ở chính giải trẻ Úc mở rộng 2014, Nam cũng đoạt suất chính thức, song quyết định bỏ qua để tập trung cho một tour du đấu châu Mỹ cùng thời điểm.
Nhà VÐQG ít tuổi nhất và tấm huy chương Vàng Á vận hội trẻ
Còn phải phấn đấu mệt nghỉ trong hành trình dài vươn ra quốc tế, song với tennis Việt, Hoàng Nam đã làm nên lịch sử chỉ với hai thành quả sáng giá mà chưa biết đến bao giờ mới có người tái lập. Tại giải VĐQG 2012, gương mặt trẻ măng của Bình Dương đã lật đổ “tượng đài” Minh Quân một cách đầy ngoạn mục trước khi bước lên ngôi cao nhất với tư cách nhà Quán quân trẻ nhất. Khi đó, Nam mới 15 tuổi 8 tháng, tức là kém người trẻ nhất đăng quang trước đó, cũng chính là Minh Quân, tới 3 tuổi.
Đúng 1 năm sau, Nam lại tiếp tục bảo vệ ngôi “Vua” quốc nội của mình với đẳng cấp thực sự vô đối, kể cả so với “đàn anh” Hoàng Thiên. Đáng nói hơn, Nam đã chơi bùng nổ để mang về chiến tích quốc tế sáng giá bậc nhất của tennis Việt lâu nay: tấm HCV Á vận hội trẻ 2013.
Cuộc chinh phục “không tưởng” của cậu bé nhặt bóng
Theo ông thầy ruột Trần Đức Quỳnh, những gì mà tay vợt đang đứng trong top 50 trẻ thế giới này có được giống như một hành trình “không tưởng” mà Nam đã chinh phục thành công. Sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến thể thao, kinh tế lại chẳng khá giả gì, cậu bé 9 tuổi quê Tây Ninh đến với tennis ngẫu nhiên từ những lần theo bố đến sân xem các chú, các anh chơi bóng. Mê mệt lúc nào chẳng hay, cứ hết mỗi buổi học, Nam đến sân xin vào chân nhặt bóng để học lỏm, rồi nằng nặc đòi bố cho “làm VĐV”. Tưởng chỉ cho vui, đâu ngờ, Nam lập tức chứng tỏ đam mê và tố chất đặc biệt, đến mức ai cũng khuyên bố cậu “cố mà cho con theo”. Không có tiền đầu tư, quê nhà lại chẳng phát triển môn này, gia đình quyết định gửi con lên “lò” Bình Dương. Có thể coi đây chính là một bước ngoặt định mệnh để tennis Việt có một ngôi sao trẻ triển vọng như Nam. Thật may mắn vì tại đây, Nam đã gặp được một chuyên gia đào tạo trẻ Đức Quỳnh (cựu VĐQG) cùng những điều kiện lý tưởng theo đúng mẫu hình quốc tế, để có thể phát huy tối đa những phẩm chất hiếm có của mình.
Thuê chuyên gia ngoại, dự 25 giải quốc tế
Hiện tại, Hoàng Nam đang được dẫn dắt bởi chuyên gia người Thụy Điển Cristian – một HLV đẳng cấp cao, rất có kinh nghiệm đào luyện các tài năng trẻ. Đáng nói hơn, qua thời gian ngắn, ông đã chứng tỏ sự phù hợp đặc biệt với tay vợt số 1 Việt Nam, thể hiện rõ hiệu quả trong việc giúp Nam nâng cao tốc độ, uy lực của các cú giao bóng cũng như khắc phục điểm yếu ở cú trái tay.
Theo lịch trình, năm 2015, Nam sẽ dự tranh khoảng 25 giải quốc tế nằm trong hệ thống – một kỷ lục đối với một VĐV Việt Nam, với kinh phí 1 tỷ đồng do đơn vị chủ quản B.Bình Dương chi. Mục tiêu thành tích, thứ hạng được Nam ưu tiên là tiếp tục giữ vững và lọt sâu vào top 50 trẻ thế giới, qua đó giành quyền dự tranh đủ 3 Grand Slam trẻ còn lại. Sau 1 năm bị cấm thi đấu vì 2 lần không lên tập trung ĐTQG, Nam sẽ được đưa trở lại vị trí trung tâm trong các kế hoạch của tennis Việt Nam, từ Davis Cup đến SEA Games.
Rất tiếc, việc chăm lo đầu tư cho tài năng trẻ từng mang về tấm HCV Á vận hội trẻ vẫn hoàn toàn được giao phó và phụ thuộc cả vào B.Bình Dương chứ không có sự định hướng, chung sức cần thiết từ ngành thể thao, bộ môn và Liên đoàn Tennis Việt./.
SKĐS