Trộm cắp điện có thể bị phạt đến 50 triệu đồng
Trộm cắp điện dưới mọi hình thức để phục vụ mục đích sinh hoạt có thể bị phạt đến 50 triệu đồng. Nếu lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi có thể bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Nội dung trên được nêu trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Bộ Công Thương xây dựng.
Theo Dự thảo, Bộ đề xuất phạt nặng hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức để phục vụ mục đích sinh hoạt, mức phạt tiền từ 2 – 50 triệu đồng. Các hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức để phục vụ các mục đích khác cũng có thể bị phạt từ 5 – 50 triệu đồng.
Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm.
Phạt từ 30 – 40 triệu đồng nếu sách nhiễu người mua điện để trục lợi
Đối với bên bán lẻ điện, dự thảo quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kiểm tra tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhưng không xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực hoặc không có Quyết định kiểm tra của đơn vị điện lực.
Nếu đơn vị bán lẻ điện không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng sẽ bị phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng.
Tương tự, đơn vị bán lẻ điện có thể bị phạt từ 10 – 14 triệu đồng nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo theo quy định về trình tự, thủ tục ngừng cấp điện; hoặc bán điện mà không có hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện.
Đặc biệt, đơn vị bán lẻ điện có thể bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định. Nếu có hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi có thể bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Dự thảo đang được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân./.
Chinhphu