Thí điểm mô hình tàu cá mẹ-con
Sáng 22-4, tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo Xây dựng mô hình dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ ở vùng biển miền Trung với sự tham dự của đại diện ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.
Hai mô hình thí điểm
Viện Nghiên cứu Hải sản cùng ngư dân 11 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã xây dựng được hai mô hình đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân miền Trung là: “Mô hình luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ” và “Mô hình tàu mẹ-tàu con”.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, ưu điểm của mô hình luân phiên (quy mô 6-7 chiếc) là giảm được chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng số ngày khai thác và tăng tình đoàn kết của ngư dân trên biển. Tuy nhiên, khó khăn nhất của mô hình này là vốn đầu tư lớn (5-10 tỉ đồng/mô hình) nên ít ngư dân có điều kiện đầu tư.
Một “mẹ” ra khơi cùng 25 “con”
Đối với mô hình tàu mẹ-tàu con thì một tàu mẹ có thể đảm nhận mua hàng cho 25 tàu con (tàu khai thác). Các tàu con khi ra biển đánh bắt sẽ tản ra từng khu vực khác nhau để tìm kiếm ngư trường, luồng cá. Khi tàu nào phát hiện có ngư trường tốt, nhiều hải sản thì thông báo cho các tàu thành viên đến khai thác. Trong quá trình khai thác, các tàu con phải liên tục liên lạc với tàu mẹ để thông báo tình hình về sản lượng, vị trí khai thác, thỏa thuận giá cả và thông báo nguyên liệu cần mang ra cung ứng. Khi tàu mẹ ra biển thu mua hải sản sẽ lấy hàng từ trong ra ngoài rồi quay lại từ ngoài vào trong để giảm chi phí di chuyển.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, Nhà nước cũng cần phải mở các lớp tập huấn để ngư dân áp dụng hai mô hình trên, nhằm vừa khai thác đánh bắt hải sản có hiệu quả vừa thường trực đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Mặt khác, chính quyền và cơ quan quản lý nghề cá địa phương phải có cơ chế giám sát giá cả để hạn chế việc đầu cơ, ép giá gây thiệt hại cho ngư dân.
phapluattp.vn