Tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 59, xây dựng Cần Thơ phát triển toàn diện
Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước là mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa XI) đặt ra cho TP Cần Thơ sau khi được chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ). Quá trình thực hiện Nghị quyết này cũng như trong 17 năm qua từ khi chia tách, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Cần Thơ đã phát huy tất cả các nguồn lực, quyết tâm thực hiện, xây dựng TP Cần Thơ phát triển toàn diện. Nhân dịp năm mới 2021, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ:
– Cần Thơ đã khẳng định được vị thế, tiềm lực kinh tế – xã hội (KT-XH) trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ÐBSCL, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng, góp phần quan trọng vào tiến trình CNH-HÐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nổi bật là diện mạo thành phố đã thay đổi, các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện được đầu tư hiện đại, từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị… Hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả, thành phố được vinh danh “Cảnh quan đô thị Châu Á 2016”…
Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ.
Thành phố đã phấn đấu không ngừng để thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành đô thị loại 1 trước năm 2010 và kết quả ngày 24-6-2009 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 889/QÐ-TTg công nhận TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Cùng thời điểm đó, thành phố đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì.
Từ những mốc son này, TP Cần Thơ đang sẵn sàng cho một cuộc bứt phá để phát triển ngày càng nhanh và bền vững hơn nữa.
Ðâu là những dấu ấn quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 45 cũng như 17 năm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ, thưa đồng chí?
– Từ năm 2004 đến nay, Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; GRDP bình quân đầu người tăng từ 10,32 triệu đồng năm 2004 lên 94,45 triệu đồng năm 2020, gấp 9,15 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ: vận tải – kho bãi, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương nghiệp, du lịch… vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Kết cấu hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư với nhiều loại hình kinh doanh mới. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt 146.511,90 tỉ đồng, gấp 17,56 lần so với năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2020 đạt 1.933,9 triệu USD, gấp 6,1 lần so với năm 2004. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn triển khai đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo thêm sự hấp dẫn, điểm đến cho du khách… Tổng doanh thu từ du lịch tăng mạnh, năm 2020 đạt 3.170 tỉ đồng, gấp 18 lần so năm 2004. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp “sạch”, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn; ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (VietGAP, Global GAP…).
Một góc đô thị Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa.
Cần Thơ đã trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh doanh, hợp tác quốc tế… Ðến nay, thành phố có 104 dự án đang thực hiện, tổng diện tích khoảng 2.892ha, tổng vốn đầu tư khoảng 115.000 tỉ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 85 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ước 752,428 triệu USD… Riêng năm 2020, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh 1.500 doanh nghiệp với tổng vốn 12.500 tỉ đồng.
Giáo dục – đào tạo có bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Thành phố hiện có 452 trường từ bậc học mầm non đến THPT; 5 trường đại học, 2 cơ sở đại học, 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động tăng từ 17,55% năm 2004 lên 59% năm 2020. Hệ thống y tế công lập và ngoài công lập phát triển nhanh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm y tế của vùng ÐBSCL. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò và tiềm lực của xã hội; diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khởi sắc, văn minh hơn. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, ổn định.
Những mục tiêu phát triển chủ yếu của thành phố trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
– Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây là cơ hội để thành phố rà soát lại quy hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, xác định lộ trình thực hiện.
Ðể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, thành phố xây dựng 3 khâu đột phá trọng tâm. Ðó là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phục vụ quá trình phát triển; huy động mọi nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn có tính dẫn dắt, doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn quốc và quốc tế, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, liên vận quốc tế; tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật trong quản lý, điều hành KT-XH, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Thành phố quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu: kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ÐBSCL; hoàn thiện và trình phê duyệt Ðề án Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và phát triển mới khu công nghiệp tập trung dọc theo đường tỉnh 922, quốc lộ 80, Khu công nghiệp Việt – Nhật… Thực hiện liên kết, hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh trong vùng ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước; mở rộng các loại hình dịch vụ có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics, tập trung đầu tư Khu dịch vụ logistics tại Khu đô thị công nghiệp quận Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và Khu dịch vụ logistics hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao…
Xin cảm ơn đồng chí!
HÀ VĂN (thực hiện)
Nguồn: Báo Cần Thơ