Tạo dựng hình ảnh cho vùng ĐBSCL
Thời gian qua, dù có nhiều chính sách đầu tư nhưng nguồn vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL vẫn chưa được như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau…
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được đánh giá là vùng đầu tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng các nguồn lực đầu tư cho vùng chưa tương xứng. Các dự án đầu tư vào vùng dàn trải, hiệu quả không cao, do vướng nhiều vấn đề: cơ chế chính sách, thiếu lao động bậc cao, năng lực canh tranh của doanh nghiệp vùng kém, liên kết vùng trong công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế… Đây là những trở ngại lớn cho vùng trong mời gọi đầu tư.
ĐBSCL bao gồm địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, nhưng đến nay chưa có liên kết nào khả thi, dù có sự nhập cuộc của các bộ, ngành Trung ương trong nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách cho vùng. Các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL cần một cơ chế đặc thù riêng trong liên kết và cần đặt sự phát triển của vùng trong tương quan với các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, khu vực và quốc tế. Song song đó, cần xác định thực trạng phát triển, điểm mạnh, yếu và phân các tiểu vùng để có cái nhìn tổng quan, xác đáng hơn trong nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển.
Các địa phương trong vùng đều đặt mục tiêu mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, nguồn lực dồi dào đến đầu tư để tiếp thêm sức mạnh cho địa phương phát triển nhanh. Tuy nhiên, thời gian qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng chưa như kỳ vọng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay toàn vùng có 791 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 10,9 tỉ USD (vốn điều lệ hơn 4,95 tỉ USD). Long An trước nay vẫn là địa phương dẫn đầu về số dự án và vốn FDI do lợi thế về địa lý giáp TPHCM (470 dự án, vốn đăng ký 3,58 tỉ USD); còn TP Cần Thơ được xác định là trung tâm động lực vùng ĐBSCL, nhưng chỉ có 60 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 804,3 triệu USD; Kiên Giang lợi thế về du lịch biển đảo nên thu hút nhiều dự án trên lĩnh vực du lịch- thương mại với vốn đăng ký hơn 3,1 tỉ USD (36 dự án); Tiền Giang từ địa phương nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư đang vươn lên vị trí thứ 3 của vùng về vốn FDI (1,14 tỉ USD, với 52 dự án)…
Trong 3 năm gần đây, thu hút vốn FDI vào vùng có phần chựng lại, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, hạ tầng cơ sở vùng chưa đầu tư đồng bộ, hình ảnh chung của ĐBSCL còn mờ nhạt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm, ĐBSCL chỉ thu hút thêm 17 dự án FDI mới, vốn đăng ký hơn 124,5 triệu UDS; tính chung 10 dự án tăng vốn 70,98 triệu USD thì vốn FDI vào vùng chỉ đạt trên 195,5 triệu USD.
Đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết liên kết vùng còn nhiều hạn chế, thiếu nhạc trưởng đóng vai trò trung tâm nên chưa phát huy hết thế mạnh của vùng. Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp ở TPHCM đầu tư vào vùng khoảng 200.000 tỉ đồng, nhưng con số này còn khiêm tốn, nhiều sản phẩm chủ lực của vùng như: gạo, cá tra, tôm sú, trái cây… giá trị xuất khẩu hằng năm lớn, nhưng phát triển thiếu chiến lược, chưa có thương hiệu mạnh, do thiếu liên kết.
Theo các chuyên gia, nguồn lực đầu tư vào vùng chưa tương xứng với những gì vùng đóng góp, các dự án đầu tư còn dàn trải, trong khi việc xây dựng hình ảnh chung cho vùng hiện chưa tìm được lối ra. Hơn nữa, các quy hoạch vùng chưa có sự liên kết ngang, dọc và vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương.
ĐBSCL cần liên kết thành một thể thống nhất để hạn chế đầu tư dàn trải và mời gọi đầu tư chung trên lĩnh vực: hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống thủy lợi, đào tạo nhân lực, dịch vụ y tế, quy hoạch… Có như vậy mới rút ngắn khoảng cách với các vùng kinh tế khác cả nước và đưa ĐBSCL hội nhập bền vững./.
Baocantho