Ngày 20/12, hãng Disney đã chính thức trở thành hãng đầu tiên có doanh thu tại rạp từ các bộ phim lên tới hơn 7 tỷ USD trong một năm. Thành công này tới từ những bom tấn như “Captain America: Civil War,” “Finding Dory,” “The Jungle Book” hay mới đây nhất là “Rogue One: A Star War story” (tựa Việt là Rogue One: Star Wars ngoại truyện).
Một cảnh trong phim ‘Rogue One.’ (Nguồn: slashfilm.com)
Ngay trong tuần đầu ra rạp, “Rogue One” đã tạo nên cơn sốt phòng vé toàn cầu với tổng doanh thu lên tới 390 triệu USD. Đây là thành công có được nhờ cộng đồng người hâm mộ trung thành của thương hiệu “Chiến tranh các vì sao.”
“Rogue One” là một phần ngoại truyện đúng nghĩa với đa phần các nhân vật hoàn toàn mới mẻ và chưa từng xuất hiện trong bảy tập “Star Wars” trước đó.
Về mặt thời gian, câu chuyện này nằm giữa những sự kiện trong hai phần ba “Revenge of the Sith” và bốn “A New Hope.” Lúc này, phe Đế chế hắc ám đã trỗi dậy mạnh mẽ và bắt đầu công cuộc xây dựng món vũ khí hủy diệt Death Star. Để có thể hoàn thành thứ siêu vũ khí này, quân lính phe Đế chế đã bắt ép nhà khoa học Galen Erso (Mads Mikkelsen thủ vai) phải rời xa gia đình và làm việc cho chúng.
15 năm sau, viên phi công Bodhi (Riz Ahmed) đã liều mình đào ngũ khỏi phe Đế chế để mang một thông điệp do chính Galen Erso gửi. Erso cho biết ông đã ngầm cài đặt một lỗ hổng chết người bên trong Deathstar và có thể giúp phe Liên minh phá hủy món vũ khí này. Bodhi đã rơi vào tay quân Phiến loạn, và phe Liên minh đành nhờ cậy cô con gái của Galen Erso là Jyn (Felicity Jones) lên đường giải cứu anh.
Trên hành trình ấy, Jyn đã làm quen thêm những người bạn mới như chiến binh Cassian (Diego Luna), chiến binh mù Chirrut (Chân Tử Đan), tay súng Baze (Khương Văn) hay chàng robot vui tính K-2SO… Những con người đó được số mệnh đưa đến bên cạnh nhau đầy tình cờ và trở thành niềm hy vọng cho tương lai của cả dải thiên hà.
Với tính chất là một phần “ngoại truyện,” “Rogue One” như một món quà dành cho những fan ruột của “Star Wars” trong thời gian chờ đợi phần 8 sẽ ra mắt vào năm 2017.
Phần 7 ra mắt vào năm 2015 đã tạo nên một cơn sốt điện ảnh thực sự với tổng doanh thu lên tới hơn 2 tỷ USD. Con số kể trên giúp “The Force Awakens” đứng thứ ba trong danh sách những phim ăn khách nhất mọi thời đại, chỉ xếp sau “Avatar” và “Titanic.”
So với hai bộ phim của James Cameron, loạt phim “Star Wars” có thể kén người xem hơn bởi yêu cầu kiến thức nhất định về các tập phim và mốc thời gian để có thể tận hưởng trọn vẹn series khoa học viễn tưởng này.
“Rogue One” cũng không nằm ngoài xu thế ấy, đặc biệt là bởi bộ phim còn giới thiệu thêm nhiều nhân vật mới hoàn toàn. Vì lẽ đó, khoảng nửa thời gian đầu phim đem lại cảm giác chậm và bị vụn bởi đạo diễn Gareth Edwards đã đưa hàng loạt nhân vật vào câu chuyện đồng thời liên tục chuyển bối cảnh.
Hệ quả là với những khán giả chưa từng xem qua “Star Wars” trước đó mà chỉ đơn thuần chọn “Rogue One” như một lựa chọn giải trí mới rất có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Bù lại, đây sẽ là một làn gió mới mẻ đối với những người yêu loạt phim “Star Wars.” Ngay từ cảnh phim đầu tiên, “Rogue One” đã tạo ra sự khác biệt hẳn với những tập phim trước đó là bắt đầu luôn vào câu chuyện thay vì mở màn phim bằng tiếng nhạc nền Star Wars kinh điển và dòng chữ vàng chạy trên màn hình để tóm tắt một số sự kiện dẫn tới bối cảnh phim.
Sự đa dạng vốn tồn tại trong vũ trụ “Star Wars” giờ đây tiếp tục được khai thác, thậm chí còn có phần mạnh mẽ hơn. Các diễn viên gốc gác Pakistan (Riz Ahmed), Nigeria (Forest Whitaker) hay Trung Quốc (Chân Tử Đan)… được mời tham gia đoàn làm phim và đóng vai trò nhất định trong câu chuyện.
Sau phần đầu tiên mang tính giới thiệu, nửa sau của “Rogue One” được đẩy lên với tiết tấu cao hơn khi nhóm của Jyn lên đường tới hành tinh Scarif để đánh cắp bản thiết kế Deathstar.
Đây cũng chính là phần được đầu tư nhất của “Rogue One,” khi cả hành tinh màu xanh nước biển với rừng cây xum xuê được biến thành chiến địa giữa hai phe. Nhờ kinh phí đầu tư khổng lồ lên tới 200 triệu USD, các màn giao tranh được thực hiện mãn nhãn và đủ thỏa mãn những ai kiên nhẫn chờ tới khúc cuối này.
Bên cạnh yếu tố kỹ xảo và dàn dựng, điểm mạnh của “Rogue One” là đề cao nữ quyền thông qua hình tượng nhân vật Jyn. Nếu như trong các tập phim gốc, những người hùng thường là nam giới (Luke Skywalker hay Han Solo) thì tới thế kỷ 21, những nữ hiệp sĩ như Rey trong “The Force Awakens” và Jyn lại nổi lên.
Xem phim, khán giả có thể thấy được sự trưởng thành dần của Jyn, từ một cô gái mất phương hướng sau khi không còn cha mẹ để che chở cho tới một nữ chiến binh gan dạ sẵn sàng đứng lên để bảo vệ tương lai của dải thiên hà.
Ngoài ra, thông điệp ngầm mà “Rogue One” gửi gắm là để đạt được tới những thành công, con người ta cần phải có những sự hy sinh thầm lặng. Bộ phim này được làm ra như một sự tri ân đối với những con người đã ngã xuống trong series “Star Wars”, để dẫn tới những sự kiện mà sau này khán giả được biết tới trong tập “A New Hope.”
Vì lẽ đó, đây sẽ là lựa chọn khó có thể bỏ qua với những ai một thời say mê thế giới của “Chiến tranh giữa các vì sao”. Bởi đó mới là đối tượng sẽ cảm thấy phấn khích khi chứng kiến sự tái xuất của nhân vật kinh điển Darth Vader trong tiếng nhạc nền u ám quen thuộc hoặc cố hiểu những thông điệp ẩn dụ về chiến tranh mà bộ phim gửi gắm, chứ không phải dân “ngoại đạo” đối với “Star Wars.”
“Rogue One: A Star War story” (tựa Việt là Rogue One: Star Wars ngoại truyện)
Đạo diễn: Gareth Edwards
Diễn viên: Felicity Jones, Diego Luna, Chân Tử Đan
Thể loại: Phiêu lưu, Hành động, Khoa học viễn tưởng
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 16/12
Thịnh Joey/Vietnam+