Quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia: Nơi hồ hởi, chỗ hững hờ

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trường ĐH không mặn mà với quy định tuyển thẳng. Khá nhiều trường đã dẫn chứng về kết quả học tập không mấy khả quan của những HS đã được tuyển thẳng.

Vụ tiêu cực tập thể trong kỳ thi học sinh (HS) giỏi cấp tỉnh năm học 2012-2013 tại Thanh Hóa, cùng những lùm xùm về việc “chạy” danh hiệu HS giỏi ở vài địa phương được báo giới đề cập trong tuần qua, đã hâm nóng sự quan tâm của dư luận về một vấn đề từng được xới xáo từ vài năm trước: Có nên áp dụng chế độ tuyển thẳng ĐH đối với HS đoạt giải quốc gia?

Đãi ngộ để tạo động lực

Từ năm 2012, theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi chọn HS giỏi cấp quốc gia, những HS đoạt giải (gồm giải nhất, nhì, ba) trong kỳ thi quốc gia và tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi quốc tế được tuyển thẳng vào các trường ĐH. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng chế độ ưu tiên này khi nó đã từng được thực hiện từ năm 2006 trở về trước. Đến năm 2007, Bộ GD-ĐT bãi bỏ quy định tuyển thẳng vào ĐH đối với HS giỏi đoạt giải quốc gia, giao quyền tự quyết cho các trường ĐH với yêu cầu các HS này vẫn phải dự thi ĐH và đạt từ điểm sàn trở lên. Quy định này được duy trì đến hết năm 2011, sau đó chính thức được khôi phục từ năm ngoái.

Việc áp dụng chế độ tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh giỏi quốc gia tạo động lực phấn đấu cho học sinh. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ GD-ĐT, việc khôi phục chế độ tuyển thẳng là cần thiết, nhằm tạo động lực cho HS học tập, ôn luyện, góp phần nâng cao chất lượng của các đội tuyển HS giỏi. Vài năm gần đây, chất lượng giải thưởng của Việt Nam tại các kỳ thi quốc tế có chiều hướng giảm. Điển hình là ở kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 2011, Việt Nam chỉ xếp hạng 31/101 đội tuyển tham dự – thành tích thấp nhất trong lịch sử tham gia giải của Việt Nam và trước đó, ta từng có năm đứng thứ 3 toàn đoàn. Phản ánh từ các địa phương cho biết, khi không còn chế độ ưu đãi, nhiều HS giỏi không thiết tha tham gia đội tuyển, cho rằng sẽ là mạo hiểm khi dồn nhiều công sức, thời gian cho kỳ thi HS giỏi mà vẫn phải đối mặt với nguy cơ trượt ĐH nếu chẳng may không đạt đủ điểm sàn.
Trước nỗi băn khoăn về tình trạng học lệch, luyện “gà nòi” đã từng xảy ra khi áp dụng chế độ tuyển thẳng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: Chính sách nào cũng khó tránh khỏi tính hai mặt. Bộ GD-ĐT đã lường trước việc này, sẽ triển khai đồng thời nhiều giải pháp để hạn chế nhược điểm. Quy định tuyển thẳng hiện hành không “mở” như trước kia, mà chỉ tuyển thẳng vào ĐH đối với HS đoạt giải ba trở lên vào đúng ngành tương ứng với môn thi. Ví dụ: HS đoạt giải toán thì vào thẳng ngành toán, giỏi văn vào thẳng ngành văn…

Tuyển thẳng hay không tuyển thẳng?

Bàn về vấn đề nêu trên, một số hiệu trưởng trường THPT Hà Nội nêu đề xuất, Bộ GD-ĐT điều chỉnh tỷ lệ HS đoạt giải trong kỳ thi quốc gia theo hướng giảm hoặc linh hoạt theo chất lượng từng “lứa” để giảm áp lực cho HS và đơn vị dự thi, hạn chế tiêu cực, nâng chất lượng “đầu vào” ĐH. Theo quy định hiện hành thì ở mỗi môn thi, tổng số giải được trao đủ cho 50% số thí sinh dự thi. Nếu tất cả các tỉnh, thành phố đều tham dự với số lượng tối đa (6 HS/môn, riêng Hà Nội là 12 HS/môn), thì sẽ có khoảng gần 200 em đoạt giải/môn, kết quả thi không bảo đảm thực chất thì sẽ để lọt nhiều em không xứng đáng được tuyển thẳng.

Ông Nguyễn Thành Kỳ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội), người từng tham gia chỉ đạo, dẫn dắt các đội tuyển HS giỏi thành phố cho rằng, việc áp dụng chế độ đãi ngộ là phù hợp, góp phần tạo động lực phấn đấu cho HS. Để được trao giải quốc gia, những HS này đã được rèn luyện, trải qua rất nhiều vòng thi, từ cấp trường đến tỉnh/thành phố, các em hoàn toàn có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng điều kiện “đầu vào” của các trường ĐH. Chất lượng kỳ thi bảo đảm chặt chẽ, công bằng hay để lọt người không xứng đáng không phải chuyện của các em, mà phụ thuộc vào người lớn – những thầy, cô giáo đảm nhận nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi.

Không loại trừ nguyên nhân HS đi thi chỉ vì có đãi ngộ chứ không hẳn vì đam mê, song, có một thực tế là đôi khi HS chỉ là nạn nhân từ toan tính của người lớn. Nhà trường muốn có nhiều HS giỏi để tạo uy tín. Phụ huynh muốn con đoạt giải để tự hào “bằng chị bằng em”; địa phương cần có thành tích, có điển hình tốt để nêu gương… Mong muốn ấy là chính đáng, nhưng cách thức đạt mục tiêu không có đáp án chung. Có thể có nơi, thay vì tập trung dạy – học thật tốt để có kết quả cao thì lại tìm cách xoay xở, thậm chí gian lận để đạt kết quả.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trường ĐH không mặn mà với quy định tuyển thẳng. Khá nhiều trường đã dẫn chứng về kết quả học tập không mấy khả quan của những HS đã được tuyển thẳng. Đơn cử như ở ĐH Bách khoa Hà Nội, có năm học cả 34 HS được tuyển thẳng đều không đỗ vào hệ đào tạo kỹ sư tài năng của trường. Đó cũng chính là lý do để Bộ GD-ĐT bãi bỏ quy định tuyển thẳng vào năm 2007.

Chế độ đãi ngộ cho HS giỏi là quan trọng và cần thiết. Song, để có căn cứ đầy đủ, khách quan về việc bãi bỏ hoặc khôi phục chế độ tuyển thẳng, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc thẩm tra việc triển khai và những ưu – nhược điểm của mỗi phương án, từ cả hai phía là trường phổ thông và trường ĐH. Nếu có những số liệu, căn cứ, giải pháp cụ thể, chắc hẳn dư luận đã không đặt câu hỏi nên hay không nên tuyển thẳng HS giỏi vào ĐH./.

(Theo vietpress)
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.