Quốc hội thảo luận công tác phòng ngừa, chống tội phạm và chống tham nhũng
Chiều ngày 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án và công tác chống tham nhũng trong năm 2013.
Đa số các ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ gồm đoàn Cần Thơ; Đà Nẳng; Hưng Yêu và Hòa Bình đều tán thành với những báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong năm qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn và cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên các mặt của đời sống kinh tế – xã hội; chưa đánh giá, phân tích đầy đủ các nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong công tác thi hành án thời gian tới.
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa phân tích, đánh giá toàn diện nguyên nhân của tình hình tội phạm, nhất là đối với những tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ… Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao chưa chỉ ra được những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác của Tòa án nhân dân các cấp mà trọng tâm là công tác xét xử các loại án…
Việc ban hành Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp năm 2012 có tác động tích cực, tạo chuyển biến đồng bộ trong triển khai công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân dân tối cao tới các cấp, các ngành, địa phương, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật tại đơn vị.
Một số ý kiến đề nghị nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc để xảy ra tội phạm. Bên cạnh đó, phân tích và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.
Một số ý kiến khác cho rằng nhiều vụ việc qua điều tra thì “xẹp” xuống khiến người dân mất lòng tin; một số ý kiến đề nghị báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ vụ việc nào diễn ra trong thời gian dài mới được phát hiện, vụ nào phát hiện được ngay, tỉnh; thành phát hiện tham nhũng chậm nhất, Bộ, ngành nào có vấn đề và điển hình là cái gì./.
Thanh Luân