Quốc hội nghe Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng của đại biểu Quốc hội và các tầng lớp nhân dân, sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều, bám sát Cương lĩnh 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), các Văn kiện của Đảng và Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu và những quan điểm cơ bản, định hướng của việc sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ông Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày. Báo cáo nêu rỏ, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong năm 2013 còn hạn chế như: hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển cơ quan điều tra còn ít; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm, nhất là các vụ án tham nhũng có nội dung phức tạp; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo. Các Bộ, ngành, địa phương tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng. Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày báo cáo trước Quốc hội
Báo cáo khẳng định, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình nên việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời hạn điều tra vụ án, nhiều vụ phải gia hạn thời hạn điều tra lần 2, lần 3. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII và Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua./.
Thanh Luân