Phân bổ thiếu đồng đều tài nguyên nước
Thượng nguồn thừa nước nhưng cư dân ít, ruộng lúa nước ít. Hạ nguồn thiếu nước ngọt do mưa ít lại bị xâm nhập mặn nhưng lại người đông, không những ruộng lúa nước nhiều mà còn có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị…
Ngày 20/3, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra hội thảo khoa học “Hợp tác vì nước”. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22/3).
Ngày Nước thế giới tại Việt Nam năm nay có chủ đề “Hợp tác vì nước” với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ – trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công.
Theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, hiện nay, thế giới đã có hơn 2 tỷ người thiếu nước. Việt Nam tuy đạt 9.430 m3/người/năm nhưng 60% lượng nước là từ lãnh thổ bên ngoài chảy vào nước ta, khó chủ động khai thác sử dụng mà còn phải hứng chịu những rủi ro không đáng có, trong đó có cả chất ô nhiễm.
Với 3.530 m3/người/năm (nước do mưa trên lãnh thổ Việt Nam), theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là quốc gia thiếu nước (dưới 4.000 m3/người/năm). Điều trở ngại lớn nhất là sự phân bố không đều theo không gian và thời gian của tài nguyên nước và nhu cầu sử dụng nước. Thượng nguồn thừa nước nhưng cư dân ít, ruộng lúa nước ít. Hạ nguồn thiếu nước ngọt do mưa ít lại bị xâm nhập mặn nhưng lại người đông, không những ruộng lúa nước nhiều mà còn có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, cảng giao thông vận tải trong nước và thế giới, nuôi trồng thủy sản…
Nhu cầu nước lớn gấp nhiều lần so với thượng nguồn. Sự phân bố không đều lại còn diễn ra ở lưu vực này với lưu vực khác như sông Sesan với sông Trà Khúc, sông Ba với sông Kone- Hà Thanh, sông Đồng Nai với các sông Ninh Thuận- Bình Thuận… vì thế cần “hợp tác vì nước”, cùng nhau chia sẻ nguồn nước làm cho ai cũng có cơ hội sử dụng nước, làm cho dân giàu, nước mạnh.
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển Bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu-Hội Tưới tiêu Việt Nam quan tâm nhất là việc các quốc gia ở thượng nguồn xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, việc làm này không những thay đổi lưu lượng dòng chảy, mà còn tác động nhiều mặt đến môi trường, sinh thái cho cả lưu vực.
TS. Đào Trọng Tứ đề xuất: “Bước đi phù hợp là các quốc gia trong Ủy hội Mê Công cần có quyết định tiến hành các nghiên cứu bổ sung tác động của hệ thống bậc thang đối với tất cả các quốc gia (sinh thái, môi trường, sinh kế, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ổn định khu vực v..) theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược của Ủy hội Sông Mê Công (SEA) và đồng thuận với nhau trước khi có bất cứ hoạt động tiếp theo nào để tránh hậu quả lớn lao sau này”.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước cũng như các dịch vụ về nước ngày càng gia tăng như hiện nay, Ngày Nước thế giới năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì tài nguyên nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến trong hợp tác vì tài nguyên nước, và thảo luận các vấn đề liên quan đến giáo dục, ngoại giao, quản lý nước xuyên biên giới, hợp tác tài chính, khung chính sách quốc gia và quốc tế và mối liên kết giữa quản lý tài nguyên nước tới các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ./.
Chinhphu