Năm kẻ thù chính của tình yêu

Từng có một lúc nào đó, dưới mái nhà của chúng ta đã có tình yêu – vì chắc chắn là bạn không hề điên khùng mà tự dưng lại cưới người đàn ông đó không vì gì cả. Nhưng dường như, tình yêu cũng có “hạn sử dụng” của nó. Nó cũng cần được “bảo quản tốt” để không bị hư hỏng, héo úa và không biến mất hoàn toàn? Ta hãy thử tìm ra những điều gì có thể giết chết tình yêu để tìm cách khắc phục.

Sự buồn tẻ

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Khi mối quan hệ đã đi vào một guồng máy nhịp nhàng, ngày nối tiếp ngày đều đặn thì đơn giản là bạn sẽ không nhận ra mối quan hệ của mình đang dần chuyển từ trạng thái “hạnh phúc bình yên” sang trạng thái “ngủ yên”. Nhà cửa, công việc, những chuyện mua bán tập trung vào ngày nghỉ, những bữa cơm tối chủ nhật với cha mẹ hai bên, một vài bữa đi ăn chung với bạn bè ở những quán ăn quen thuộc, một vài chuyến đi nghỉ ở những địa danh đã quá quen thuộc với tất cả mọi người… Lúc nào bạn cũng cảm thấy chắc là sẽ có một điều gì vui hơn, mới mẻ hơn sẽ đến, nhưng rồi khi nó diễn ra, bạn nhận thấy đó cũng chỉ là những gì đã từng trải nghiệm. Sự bình ổn mà bạn ao ước ghê gớm khi chưa có đã trở thành một thứ trói buộc, nhàm chán khi nó cứ lặp đi lặp lại quá lâu.

Có những người có đủ sáng suốt để đối phó với sự nhàm chán nhưng một số khác thì không. Bạn bè của H., một nữ biên tập viên xinh đẹp của một tạp chí lớn – đã bị sốc khi nghe cô làm đơn xin ly hôn. “Tôi không sống như thế được nữa! – Cô nói. – Tôi cảm thấy hết sức ngột ngạt. Ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi nói với nhau đến hàng trăm lần cũng chỉ một câu chuyện đó. Tôi cảm thấy chán ngán đến mức thậm chí chúng tôi không còn muốn làm “chuyện đó” với nhau”. Và thế là họ đã ly dị.

Trong hai năm sau đó, cuộc sống của H. trở nên hết sức phong phú – cô đi du lịch đến vài nước mà cô mơ ước, học thêm một ngoại ngữ, thay đổi công việc, kiểu tóc thậm chí cả nhóm bạn bè… Trong thời gian đó, chồng cũ của cô đã kịp kết hôn, còn H. thậm chí không có thời gian cho một mối quan hệ nào. Để rồi, một lần, khi tâm sự cùng bạn bè, cô thú nhận đến bây giờ, cô mới cảm thấy mình đã sai lầm: “Tại sao tôi không học ngoại ngữ và thay đổi công việc khi còn đang sống với anh ấy? Thật là ngu ngốc! “- H. than thở. Kết luận từ chuyện của H. hết sức đơn giản: nếu mối quan hệ của bạn đang ngày một héo tàn và buồn chán thì đó không phải là nguyên nhân để bạn phá vỡ nó mà là nguyên nhân để bạn tìm cách làm mới nó. Nhưng, để làm được điều đó, bạn sẽ phải đấu tranh với kẻ thù thứ hai của tình yêu.

Sự lười biếng

Bạn có thể nhận thấy rằng những con người có mối quan hệ hài hòa nhất là những người hết sức năng động và linh hoạt. Cuộc sống của họ không tập trung hoàn toàn vào gia đình. Họ làm việc, đi du lịch, làm quen với nhiều người. Đó cũng là cách sống của vợ chồng O. và L. Quà sinh nhật họ tặng nhau thường là những chuyến đi du lịch. Thời mới cưới, khi còn nghèo là những chuyến đi trong nước ngắn ngày, khi thành đạt hơn là những chuyến đi nước ngoài, những kỳ nghỉ tuyệt vời. Không chỉ vào ngày nghỉ, ngay cả những ngày làm việc, đời sống của họ cũng không buồn chán. Cả hai đều có việc riêng ban ngày và những buổi chiều tối của gia đình họ luôn đầy ắp các chương trình thú vị. Họ sống như thế – vui vẻ, năng động và rộn ràng.

Nhiều người trong chúng ta thực sự lười nhác làm những điều như vậy. Chúng ta thường về nhà, bật tivi và nhìn ngắm cuộc sống của người khác. Bạn có thể lấy đâu ra cảm hứng và đề tài để nói chuyện với chồng nếu bạn chẳng nhìn thấy ai và chẳng biết cái gì hết? Và tất nhiên như thế thì mối quan hệ của bạn sẽ dần đóng mạng nhện và phủ bụi. Chúng tôi thường đùa với bạn bè lời khuyên ngốc nhất của các nhà tư vấn tâm lý là: nếu muốn làm mới mối quan hệ, bạn hãy thay rèm cửa trong phòng ngủ”. Một người bạn của tôi đã quyết định làm theo lời khuyên đó. Cô thay rèm cửa. Sau đó, cô ngắm nhìn căn phòng và quyết định cần thay đổi cả trang trí trong phòng cho hợp với rèm cửa.

Rồi không chỉ là phòng ngủ mà đến cả ngôi nhà. Cô bàn bạc điều đó với chồng. Thế là suốt các ngày nghỉ, họ đi vòng vòng các cửa hàng bán vật liệu trang trí nhà cửa. “Bạn có biết không – cô ấy kể – khi giữa chúng tôi có những chuyện để bàn bạc, thảo luận thì mối quan hệ dường như “sống” lại một cuộc sống thứ hai. Giờ thì tôi nghĩ, sau khi kết thúc việc sửa chữa nhà cửa mình phải nghĩ ra một điều gì đó, nếu không thì tôi sẽ quên bẵng mất là chồng mình thú vị ra sao và tôi yêu anh ấy như thế nào.

Sự keo kiệt

Có một lần, tôi hỏi người tư vấn tâm lý của tôi là cô ấy định nghĩa tình yêu thế nào. Câu trả lời làm tôi hết sức xúc động: Tình yêu- đó là khi hạnh phúc và sự yên bình trong tâm hồn của người đó trở thành hạnh phúc và sự yên bình trong tâm hồn của bạn. Vì thế, ý nghĩa cuối cùng của chữ yêu chính là sự cho đi. Thời gian, sức lực, cảm xúc, sự quan tâm… tất cả mọi thứ phải đều vô điều kiện”. Điều đó cũng có nghĩa, khi bạn bắt đầu tìm sự thỏa thuận: “Anh thế này với tôi tôi mới thế kia với anh” là bạn đang dần giết chết tình yêu của mình. Sự keo kiệt trong mối quan hệ sẽ dẫn đến kết thúc hết sức tồi tệ, thậm chí làm nảy sinh sự oán giận – một kẻ thù khác nữa của tình yêu.

Tự ái

Làm sao lại không tự ái nếu bạn bị xúc phạm? Bạn đã cố gắng làm một người vợ tốt, đi làm, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, đi họp phụ huynh thường xuyên, trong khi anh ta không giúp gì cả. Anh ta uống bia và nói anh ta đã quá mệt mỏi trong công việc. Anh ta thậm chí chẳng hề muốn giúp bạn xách những túi đồ nặng từ cửa vào nhà… Cách đây không lâu, tôi đã nghe những lời phàn nàn như thế từ một người bạn gái. Thật ra, tự ái hay không chỉ là do sự chọn lựa của bạn. Bạn có thể tự ái, thậm chí giận dữ đẩy mọi chuyện lên thành “những cuộc trò chuyện nghiêm túc” hay cãi vã. Nhưng, chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì, chẳng giải quyết được gì.

Bạn có thể tự hỏi mình: “Mình đã làm gì để anh ấy xử sự như thế?” Có thể là bạn đã không tin tưởng nhiều vào anh ấy hay bạn quá ôm đồm công việc chăng? Hoặc có thể do bạn luôn muốn mọi việc phải được làm theo đúng ý mình. Cũng có thể từ lâu rồi, bạn đã không cư xử như một người vợ mà giống người mẹ hay người bạn ngang hàng. Còn nhiều nguyên nhân khác mà bạn phải tìm ra và thay đổi chúng.

Sự sợ hãi


Tiếp theo những điều trên là sự xuất hiện của nỗi sợ hãi: bạn lo cái thế giới đang rất chông chênh, mỏng manh tràn đầy những nỗi buồn này sẽ sụp đổ. Hoặc có thể, mọi thứ sẽ luôn như thế, còn bạn nghĩ rằng mình có thể bỏ lỡ cơ hội có một cuộc sống khác tốt đẹp hơn và nhiều màu sắc hơn. Bạn sẽ cảm thấy những nỗi lo sợ ấy càng rõ ràng hơn khi bạn đã có con cái. Các ông bố bà mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Làm sao có thể có những điều đó khi tình yêu không còn nữa, tất cả đang tan rã và hình như trước sau gì rồi cũng chia tay?

Điều đó thật đáng sợ, nhưng còn đáng sợ hơn khi một ngày nào đó, bạn thức dậy và nhận ra người đang nằm cạnh bạn là một kẻ vô cùng xa lạ. Giữa bạn với anh ta chỉ có những đứa con và chẳng có gì gắn bó ngoài chúng, thậm chí đến cả tivi giờ cũng riêng mỗi người một cái. Để điều đó đừng xảy ra, bạn không nên sợ hãi mà hãy bắt đầu đấu tranh. Hãy đảo ngược tất cả mọi thứ lên, đặt ra những mục đích chung nào đó và nhất định phải làm được điều đó cùng nhau. Điều quan trọng nhất là hãy nâng đỡ nhau. Khi đó, sẽ không có bất kỳ kẻ thù nào là nguy hiểm đối với mối quan hệ của các bạn./.

(Theo phunuonline)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.