Việc tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 có thể xem như là một phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi/tuyển sinh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm tới.
Theo Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, đã có rất nhiều đổi mới trong công tác tổ chức kỳ thi ĐH và tốt nghiệp trong 3 năm qua.
Từ 2 kỳ thi nay chỉ còn 1 kỳ thi; từ 4 cụm thi lên 38 cụm thi (2015) và nay là 120 cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đó là những đổi mới rất căn bản, đồng thời là sự chuẩn bị cho những đổi mới căn bản hơn trong thi cử thời gian tới.
Quyết định mở rộng số lượng cụm thi quốc gia là một thách thức rất lớn đối với Bộ GD&ĐT nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành cùng với trách nhiệm cao của các trường ĐH, các Sở GD&ĐT, chúng ta đã tổ chức thành công kỳ thi năm 2016, tạo không khí phấn khởi cho thí sinh và nhân dân cả nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước có thể xem như là một phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi/tuyển sinh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm tới”.
Công tác tổ chức kỳ thi năm nay thành công nhờ một yếu tố quan trọng đó là có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các trường ĐH và các địa phương.
Thí sinh được thi tại địa phương, gần nhà, giảm chi phí, giảm áp lực, do đó các em làm bài với tâm trạng thoải mái, tự tin hơn; tỉ lệ thí sinh đến dự thi rất cao; kỳ thi được tổ chức nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng. Số lượng thí sinh ở các cụm thi không cao nên các trường có thể sử dụng những cơ sở tốt nhất làm điểm thi; không gian, môi trường thoải mái hơn giúp thí sinh có thể phát huy hết khả năng để làm bài thi; các địa phương có điều kiện huy động sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể về điều kiện ăn ở cho thí sinh và người nhà.
Do chỉ có thí sinh của địa phương dự thi nên Sở GD&ĐT có thể nắm được số lượng thí sinh có khả năng vắng mặt do các điều kiện khác nhau, từ đó có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em đến trường thi theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Sự phân bố các điểm thi của cụm thi cũng rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa để thí sinh đến dự thi.
Năm nay có 14 địa phương chỉ tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các địa phương còn lại, ngoài cụm thi do trường ĐH chủ trì còn có cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì để giúp cho thí sinh vùng khó khăn có thể yên tâm dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy tổ chức 2 loại cụm thi nhưng điều kiện tổ chức thi, mức độ nghiêm túc đều như nhau.
Qua đó, có thể đánh giá công tác năng lực tổ chức thi của các địa phương. Thành công của kỳ thi năm nay cho thấy các địa phương hoàn toàn có thể tự tổ chức thi.
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, ngay sau kỳ thi này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các sở, trường, chuyên gia giáo dục và giáo viên để quyết định phương thức tổ chức THPT quốc gia những năm tiếp theo. Phương thức tổ chức sẽ được xây dựng trên tinh thần tôn trọng Luật GD&ĐT, đó là quyền tự chủ của các trường ĐH. Phương án kỳ thi THPT quốc gia năm học tới sẽ được công bố ngay vào đầu năm 2017 với tinh thần tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng nhất./.
VGP news