Khung giá tác quyền âm nhạc: Chuyện còn dài!

Một trong những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc thời gian qua là việc xây dựng khung giá tác quyền. Theo Bộ VH-TT-DL, một khung giá cố định đang được xây dựng, sẽ phổ biến trong thời gian tới, với quyết tâm giải quyết được tất cả các vấn đề còn tồn đọng về tác quyền hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thế nào vẫn còn nhiều điều phải bàn.


Năm 2012, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) từng thực hiện dự thảo “Quy định biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khi sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để phát sóng và trong hoạt động kinh doanh, thương mại”, nhưng dự thảo này không nhận được sự đồng tình của nhiều phía, dù đã điều chỉnh đến lần thứ sáu. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) cho rằng, mức chi trả 35% cho tác giả, theo dự thảo, là quá thấp. Ở các nước, mức này thường là 51%. Chưa kể, với dự thảo đó, các website chỉ phải trả hai triệu đồng/năm/tác phẩm – một mức giá quá lạc hậu so với sự phát triển của nhạc số hiện nay, vì kể cả khi việc nghe, tải nhạc trực tuyến phải trả phí chưa diễn ra, nhiều ca sĩ cũng đã bỏ túi được hàng trăm triệu một năm nếu đó là ca khúc được cộng đồng mạng yêu thích. Mức giá cho nhạc chuông nhạc chờ cũng được cho là khá thấp, chỉ vài triệu đồng một năm, trong khi số tiền thu về cho các nhà mạng có khi lên đến bạc tỷ, tùy vào lượt tải. Ngoài ra, sự đánh đồng các tên tuổi âm nhạc với một mức giá như nhau cũng là điều nhiều người chưa đồng tình. “Khung giá là cần thiết, nhưng vẫn phải có những trường hợp đặc biệt có thể vượt khung, tùy theo tác giả, chất lượng, nhu cầu thị trường… Mỗi bài hát là một sáng tạo nghệ thuật, không nên gom lại thành hàng đồng giá. Tôi nghĩ, tốt hơn hết là chỉ nên đưa ra mức tối thiểu”, bà Phan Mộng Thúy – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phương Nam phim (PNF) nói.

Bên cạnh đó, theo tinh thần của dự thảo từng được tiến hành, nhà hàng, đơn vị kinh doanh karaoke, quán ăn, website, công ty viễn thông… được phép sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép trước – một “đặc quyền” trước nay chỉ dành cho lĩnh vực truyền hình, truyền thanh. Điều này không hề nâng tính chính xác trong việc giải quyết tác quyền theo dạng trọn gói mà VCPMC vẫn đang áp dụng cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ: thu theo số lượng ghế ngồi, sức chứa hoặc diện tích. Bởi, số tiền thu được từ các cơ sở này sẽ được chia đều cho tất cả các tác giả mà VCPMC đang đại diện, dù sẽ có tác giả, tác phẩm được sử dụng nhiều hơn. Hơn nữa, việc ban cho các website quyền sử dụng mà không cần xin phép là một kẽ hở lớn, giúp các website dễ dàng “chối tội” vì khả năng “phi tang” quá trình sử dụng rất dễ dàng trong lĩnh vực công nghệ số.

Nếu khung giá chỉ tập trung vào việc tái sử dụng tác phẩm (phát sóng các bản ghi âm, ghi hình…), còn sử dụng trực tiếp (biểu diễn hay sản xuất băng đĩa) vẫn là do các bên tự thỏa thuận như trước đây, mà cho là sẽ tháo gỡ toàn diện các vướng mắc về tác quyền âm nhạc là chuyện vọng tưởng, vì việc sử dụng trực tiếp mới là khâu quan trọng nhất của thị trường. “Có một bất cập là hiện nay chúng tôi phải trả một mức giá do VCPMC đơn phương đưa ra khi muốn sử dụng ca khúc các tác giả đã ủy quyền cho họ. Đó là một mức giá khá cao mà chúng tôi không được quyền thương lượng. Khung giá cũng nên đề cập đến các trường hợp này”, ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio cho biết. Cũng theo ông Tiết, hiện Bến Thành Audio đang đại diện tác quyền cho nhạc sĩ Lam Phương tại Việt Nam, nhưng mức giá luôn được linh động, thương lượng giữa hai bên, tùy theo quy mô chương trình và mục đích sử dụng.

Còn quá sớm để cho là khung giá vô lý hay hợp lý, vì khung giá vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, một khi quá trình xây dựng khung giá không hề được tham vấn bởi các công ty tổ chức biểu diễn, các tác giả, thì khó có thể tin rằng khung giá sẽ giải quyết được tồn đọng của vấn đề tác quyền âm nhạc, nếu không muốn nói là không thể sát với thực tế./.

(Theo phunuonline)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.