Từ thị xã Cà Mau đi theo con đường quốc lộ 1A về huyện Năm Căn độ 20km là đến Cống Đá. Ngay đó có bảng chỉ đường phía tay trái rẽ vào khu căn cứ Xẻo Đước. Xe chạy mười mấy cây số nữa là đến khu căn cứ, cũng là nơi tiếp cận với đầm Thị Tường (đầm Bà Tường), khu đầm tự nhiên lớn nhất, đẹp nhất của ĐBSCL.
Nằm vắt ngang hai huyện Cái Nước và Trần Văn Thời do phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kinh rạch khác, trước đây muốn đến đầm ta phải qua những con đường sông ngoằn ngoèo nhưng từ khi con lộ về Năm Căn được mở, đi đường xe đến đầm đã thuận tiện hơn bởi chỉ khoảng 40km.
Chúng tôi bước xuống chiếc đò máy nhỏ đi sâu vào đầm giữa. Đầm Thị Tường nhìn trên bản đồ như một quả bóng phình ra ở giữa, hai đầu hơi hẹp được phân ra đầm trong, đầm giữa và đầm ngoài. Đầm có chiều dài 10km, chỗ rộng nhất khoảng 2km.
Đầm thông ra biển Thái Lan qua sông Mỹ Bình. Ở đây là vùng nước lợ rất thích hợp cho sú, cua, rẹm sinh sôi, phát triển nên đa số dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi hải sản.
Đi trên mặt đầm mênh mông, ta có thể thấy những nhà sàn nhỏ cách nhau chừng 100m. Đó là nhà ở để canh chừng mấy chục cái lú bắt tôm cá, bắt cua rẹm của các hộ dân. Cậu lái đò tên Khương cho biết mỗi hộ ở đây được chia 100m mặt nước để đóng đáy hay đặt lú.
Nếu đặt lú thì được khoảng 50 cái, mỗi lú cách nhau 2m. Mùa này đang mùa rẹm (ghẹm) nên đi ngang qua các nhà đều thấy nhiều túi lưới đựng rẹm rộng dưới nước chờ bán cho khách.
Ngang qua một vùng nước cắm một hàng cọc trắng, Khương giải thích dân sống trên đầm giờ khấm khá hơn xưa nên có nhiều hộ bớt lú, cho dân từ Kiên Giang xuống thuê mặt nước nuôi sò huyết đó. Vậy là lại có thêm một đặc sản nữa nơi này.
Đò cứ chầm chậm chạy một vòng trên mặt đầm. Cảm giác cứ lâng lâng, sảng khoái giữa trời đất, sông nước mênh mông. Nghe nói cái tên Thị Tường hay Bà Tường của vùng đầm này cũng có nhiều giai thoại lắm.
Từ truyền thuyết xa xưa về người phụ nữ dũng cảm xua đuổi chim chóc do Chúa Hổ sai đến tha đá lấp mặt đầm do không được vua Thủy Tề gả con cho đến chuyện thật người thật về dòng họ Tô gốc Bình Định theo Tây Sơn chạy vào đây khai khẩn khi triều Tây Sơn sụp đổ.
Công lao khai thác ấp Nhà Di (xà di, dụng cụ bắt cá của người Khmer) và khu đầm khiến tên bà Tường (Tô Quý Thị) được lấy đặt cho đầm. Những cư dân xứ này hay kể lẫn lộn chuyện xưa, chuyện nay về đầm Thị Tường như vậy đó.
Vào một căn nhà lợp lá trên có chữ “Nhà hàng Xẻo Đước”, chúng tôi vừa được cô chủ quán cho xem mấy loại đặc sản bắt được ở đầm. Vài con cá vồ chó, cá ngát ngo ngoe trong trúm, con nào cũng trên vài ký. Mấy con lịch củ nhìn giống lươn nghe nói thịt rất ngon. Còn cua, rêm thì nhà chòi nào cũng có.
Từ giã vợ chồng cô chủ quán hiếu khách, trên đường về cậu lái đò cho chúng tôi ghé nhà ông “Vua đầm” Hai Hùng. Hỏi sao gọi vậy?
Cậu lái đò cười: Chắc tại ổng làm ăn lớn. Vừa sú, vừa cá, cua, mùa này ổng thu nhập ngày có cả triệu. Khách du lịch hay ghé nhà ông, cả khách nước ngoài như Hàn Quốc, Tây Mỹ nữa! Ngay cây cầu rộng bước lên nhà Hai Hùng, đã thấy lúa phơi đầy, dưới cầu cơ man là túi lưới rộng đám rẹm còn ngo ngoe càng.
Kế bên trong vũng nước được bao lưới một bầy vịt trắng lốp đang bơi lội, bên trên rất nhiều nhánh củi to nhỏ phơi trong nắng. Gian nhà lót ván láng bóng, mái lợp lá xé mát rượi đúng kiểu nhà ở miệt này. Anh Hai Hùng vui vẻ chỉ chung quanh.
Mấy ông nhà báo, khách du lịch muốn ngủ lại thì cứ nằm trên sàn đây, vừa hứng gió biển vừa chụp hình mặt trời buổi sớm, buổi chiều. Anh chỉ lên vách. Đúng là cảnh bình minh thật đẹp trên bức hình.
Cậu lái đò còn khoe người đang bủa lưới trên chiếc xuồng nhỏ chính là cha cậu. Một nhà báo quen thân nhiều lần xuống đây đã chụp để lại.
Ngồi trong căn nhà dài rộng này, giữa mênh mông sông nước, trước mặt là vị chủ nhà dáng vóc to lớn, bặm trợn lại đầy vẻ hào sảng trong câu nói, tiếng cười ta cứ ngỡ như mình đang sống thời khai hoang mở đất xa xưa.
Lên xe trở về thị xã, níu chân chúng tôi còn là những cọng bồn bồn tươi mới cắt, những keo dưa bồn bồn trắng nõn của huyện Cái Nước. Lại thêm một điều thú vị về xứ này./.
Dulichvn