Hội thảo: Sự lún đất của bán đảo Cà Mau
Tại TPCT, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tổ chức hội thảo khoa học về kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1 – sự lún đất của bán đảo Cà Mau. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về xói lở, sụt lún vùng ĐBSCL và định hướng các giải pháp khoa học công nghệ để khắc phục, giảm thiểu.
Có khoảng 120 đại biểu từ các cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, các bộ, các tỉnh, Viện, Trường, các tổ chức trong nước, quốc tế, Ông Nguyễn Phong Quang – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đến dự.

Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) thì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xói lở, sụt lún đất ở Cà Mau và vùng ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Toàn tỉnh Cà Mau có gần 110.000 giếng khoan, hút khoảng 373.000m³ nước/ngày (hay 3m³ nước/ngày/giếng khoan). Mức tiêu thụ trung bình 310 lít/ngày/người; rất lớn so với trung bình hiện nay ở Việt Nam khoảng 80 – 120 lít/ngày/người. Nếu lấy diện tích tỉnh Cà Mau là 4.350km² thì tốc độ sụt lún từ 1,9 – 2,8 cm/năm. Với tốc độ này thì trong vài thập kỷ tới phần lớn diện tích của tỉnh Cà Mau có thể dưới mực nước biển. Lún không những tác động đến dòng chảy và xâm nhập mặn mà còn làm cho dòng chảy bị xói mòn.

Tuy nhiên, một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Lún do khai thác quá mức nước dưới đất thường tập trung quanh các bãi giếng, còn gọi là phễu lún. Vì vậy đưa ra một tốc độ lún cho toàn tỉnh cần nghiên cứu thêm. Hội thảo đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: cần triển khai sớm dự án nghiên cứu, quan trắc và xác minh những giả thiết, kết luận sơ bộ về sụt lún, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn,… cùng như những yếu tố góp phần gây ra chúng và cần có một cơ quan điều phối để phối hợp thực hiện nghiên cứu đưa ra một lộ trình phù hợp ./.
Vinh Hiển – Đỗ Trung