Giá một số mặt hàng thuộc nhóm hàng thực phẩm, may mặc, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… tăng trung bình từ 5% – 15% dù sức mua rất yếu.
Đã 4 ngày sau khi giá xăng dầu giảm thêm 410 đồng/lít, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn không có xu hướng giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng cao.
Đứng yên và… tăng đều
Các công ty kinh doanh dịch vụ taxi, vận tải đường dài, vận tải hàng hóa đều cho biết chưa thể giảm giá cước trong giai đoạn này. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho biết cuối tháng 3, giá xăng tăng hơn 1.400 đồng/lít, các doanh nghiệp (DN) taxi gồng lưng gánh lỗ chứ không tăng giá cước. Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng giảm 2 lần nhưng tổng cộng chỉ mới giảm gần 1.000 đồng/lít. Tính ra DN vẫn còn chịu lỗ hơn 400 đồng/lít xăng nên chưa thể giảm giá cước lúc này.
Các siêu thị trên địa bàn TPHCM cũng cho biết đã nhận thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… với mức tăng trung bình từ 5% – 10%. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là chi phí đầu vào, nguyên liệu… tăng nên phải tăng giá bán.
Khó thoát vòng luẩn quẩn
Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dự báo trong tháng 4 này, giá hàng tiêu dùng sẽ tăng nhẹ so với tháng 3. Nguyên nhân được đưa ra là ngoài sức ép tăng giá do dịch bệnh trên vật nuôi, khô hạn và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng trong các dịp lễ thì tác động của việc tăng giá xăng dầu cuối tháng 3 cũng tác động đến giá cả.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, hiện giá xăng đã giảm nhưng các yếu tố chính ảnh hưởng đến DN như cơ chế chính sách, lãi suất… vẫn chưa được cải thiện nên DN rất khó có thể giảm giá.
“Vòng luẩn quẩn tăng giá thì không bán được hàng, mất thị trường; giảm giá thì lỗ, không sản xuất kinh doanh được ngày càng siết chặt và bóp chết DN” – ông Minh nói.
nld.com.vn