Giải quyết vấn nạn trong hoạt động du lịch
Nổi lên trong cuộc họp báo thường kỳ quý II/2013 của Bộ VHTT&DL sáng 6/8 là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động hướng đến giải quyết tình trạng chèo kéo, chèn ép, lợi dụng, lừa đảo khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm về du lịch.
Xử lý 100% đơn thư tố cáo
Không chờ đến báo cáo của ngành VHTT&DL, nhiều người cũng đã nhận thấy việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành trong những tháng vừa rồi “có khác trước”. Bởi không phải ngẫu nhiên mà các “điểm nóng” về lễ hội năm nay giảm hẳn, lễ hội được chuẩn bị chu đáo, công tác quản lý được đầu tư, ý thức chấp hành của người dân tham gia lễ hội cũng được nâng cao. Bản thân các nhà quản lý của Bộ còn tổ chức các đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng đích thân “đi thực địa” thanh tra diện rộng. Ngoài ra, Bộ cũng đã siết chặt quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương. Dư luận rất đồng tình với việc rút giấy phép cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam” tại Khánh Hòa; việc thu hồi bộ DVD ASIA 71 “32 năm kỷ niệm” do Trung tâm ASIA (Mỹ) phát hành; hay thu hồi 2.564 VCD dành cho thiếu nhi có quảng cáo sex và xử lý các cơ sở vi phạm. Và không chỉ có các vấn đề của làng biểu diễn, mà việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành và bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, điểm du lịch cũng được đẩy mạnh.

Ông Phan Đình Tân – người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết: “Nửa đầu năm 2013, Thanh tra Bộ đã thành lập 69 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 185 cá nhân, tổ chức; ban hành 62 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó cảnh cáo 4 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1.069.500.000 đồng. Thanh tra Sở và Đội kiểm tra liên ngành của các tỉnh, thành cũng đã thanh tra, kiểm tra 3.615 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, phát hiện 953 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 10.385.800.000 đồng”. Đặc biệt, trong thời gian này, Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở VHTT&DL các tỉnh, thành đã tổ chức tiếp 44 lượt công dân ở cấp cơ sở và cấp Bộ (tăng 27% so với 6 tháng năm 2012), tiếp nhận 134 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. 100% số đơn thư ấy đã được xử lý kịp thời, theo đúng quy định.
Bộ không đứng ngoài cuộc
Tình trạng chèo kéo, cướp giật, ép giá… đối với khách du lịch đã được báo giới lên tiếng không ít. Thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã triển khai nhiều hoạt động để tìm cách giải quyết những bất cập đó. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận lãnh đạo chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về pháp lý, pháp luật khi để xảy ra những hiện tượng chèo kéo, cướp giật, chặt chém… khách du lịch. Tuy trách nhiệm là của chính quyền địa phương, nhưng Bộ VHTT&DL không đứng ngoài cuộc theo nhiệm vụ, chức trách của mình”. Bộ đã có văn bản chính thức gửi Chính phủ tham mưu việc ban hành Nghị định trong việc lập lại trật tự, đảm bảo an ninh, an toàn cho môi trường du lịch, ngăn chặn tình trạng xấu có thể xảy ra. Hiện nay, một số địa phương đã triển khai một số giải pháp và bước đầu đạt hiệu quả. Ví dụ như tỉnh Thanh Hóa đã mở các trung tâm hỗ trợ du lịch. Ngày 1/8, TP Hà Nội đã lập Trung tâm hỗ trợ du lịch, đường dây nóng tư vấn cho du khách và có người trực 24/24 giờ cả 7 ngày trong tuần. Các tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và một loạt các điểm du lịch lớn trên địa bàn cả nước cũng có nhiều hoạt động như: Niêm yết giá sản phẩm, lên danh sách các điểm đen và lắp camera theo dõi, hình thành các đội kiểm tra liên ngành… nhằm “thanh lọc” môi trường du lịch ở tất cả các địa phương.
Báo Kinh tế & Đô thị