Dừa sáp – từ trái “ăn chơi” đến nhãn hiệu độc quyền

Từ năm 2000 trở về trước, trái dừa sáp (còn gọi là dừa kem, dừa đặc ruột) ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) chỉ được xem như một món “ăn chơi” trong các ngày Vu lan thắng hội tại địa phương với giá bán bằng trái dừa thường, nghĩa là chỉ khoảng vài ngàn đồng một trái. Nhưng cũng ít người mua, vì đa số chưa biết thưởng thức…

Trái ngon bình dân

Theo các bô lão địa phương, dừa sáp Cầu Kè có nguồn gốc từ một giống dừa ở Philippines, nhưng các cây giống lại do một sư ông từ Campuchia mang về năm 1942. Ban đầu, cây dừa sáp được trồng trong chùa, sau thấy trái lạ và ngon nên người dân quanh vùng xin giống mang về vườn nhà trồng. Suốt hơn nửa thế kỷ, dừa sáp chỉ giữ vị trí khiêm tốn là những cây “nhỏ lẻ” trong các khu vườn tạp của bà con người Khmer ở Cầu Kè.

Dừa sáp chỉ khác dừa bình thường ở ruột trái, còn lại cây, lá, vỏ, điều kiện thổ nhưỡng không khác gì dừa thường. Sau hơn nửa thế kỷ trồng, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, người nông dân Cầu Kè nhân được 5 giống dừa sáp: sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh và sáp vỏ vàng.

Ruột trái dừa sáp dày gấp đôi (hoặc gấp ba) ruột trái dừa thường, gồm 3 phần: phần ruột sát vỏ dẻo ít, phần ruột tiếp xúc với nước dừa mềm và rất dẻo, trong cùng là nước dừa (ít hơn nước trái dừa thường rất nhiều, thể lỏng sền sệt, vị ngọt nhẹ). Dừa sáp chủ yếu được nạo ăn trực tiếp. Miếng dừa dẻo, ngọt, thơm và một chút béo không khó để làm vừa lòng du khách đến Trà Vinh. Cơm dừa sáp còn được dùng xay sinh tố (cùng đường, sữa, đá bào) uống rất ngon. Một số nhà hàng còn dùng cơm dừa sáp trộn với các loại trái cây xắt hạt lựu (khối nhỏ vuông) ướp đá làm món tráng miệng hấp dẫn phục vụ thực khách.

Trái dừa sáp sẽ “yên phận” chốn làng quê Cầu Kè nếu ngành du lịch các tỉnh thành (chủ yếu là các công ty du lịch lữ hành của TP.Hồ Chí Minh) không mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2000. Khi khách du lịch từ lạ cảm thấy quen dần với trái dừa sáp thì dừa sáp trở nên “hút hàng”. Lúc này, giá dừa sáp đã lên tới 70-80 ngàn đồng/trái, nhưng không cách nào cung đáp ứng đủ cầu trong tình trạng mỗi vườn chỉ trồng loe hoe vài cây dừa sáp, tỷ lệ sáp kết trong trái chỉ đạt khoảng 20% (một buồng 10 trái dừa chỉ có 2 trái sáp, còn lại là dừa bình thường). Anh nông dân người Khmer Thạch Phu My (xã Hoà Tân, Cầu Kè) đã tự cân đối cung – cầu dừa sáp tại làng quê mình bằng cách tập trung nhân giống dừa sáp. Anh phá bỏ vườn cây tạp quanh nhà, tự chuyên canh cây dừa sáp bằng kinh nghiệm học hỏi các nhà trồng nhiều dừa sáp hơn mình. Theo “chân” Thạch Phu My, nhiều nông dân xã Hoà Tân cũng chuyên canh cây dừa sáp. Phong trào trồng dừa sáp sau đó lan rộng khắp Cầu Kè với những vùng chuyên canh đáng kể ở các xã Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Phong Thạnh…

Hỗ trợ nông dân làm giàu

Khi dừa sáp “lên ngôi” với giá từ 120-150 ngàn đồng/trái vào năm 2006, các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh đã vào cuộc để hỗ trợ bà con nông dân phát triển giống cây này. Trước tiên là tập trung phát triển vùng chuyên canh dừa sáp 50ha theo yêu cầu kỹ thuật cao tại xã Hoà Tân. Trên tinh thần khôi phục giống dừa sáp đạt tỷ lệ trái sáp cao, Sở Khoa học – Công nghệ Trà Vinh (KHCNTV) đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) nghiên cứu và thử nghiệm thành công cách thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp để tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa. Song song đó, để xây dựng vùng chuyên canh dừa sáp Hoà Tân theo tiêu chuẩn VietGAP, Sở KHCNTV cũng đã kết hợp với Viện Nghiên cứu dầu thực vật – hương liệu – mỹ phẩm TP.HCM triển khai đề tài Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyên canh dừa sáptrên diện tích 6ha. Đến năm 2010, Sở KHCNTV còn phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TP.HCM hỗ trợ (kỹ thuật, 60% tiền mua cây giống…) cho hàng trăm gia đình nông dân toàn huyện Cầu Kè phát triển hàng vạn cây dừa sáp giống mới trên hàng chục hécta. Hiện nay, toàn huyện Cầu Kè có hơn 200 ha dừa sáp giống mới, trong đó có 60 ha cho trái. Riêng vùng chuyên canh dừa sáp Hoà Tân có 18 ngàn cây dừa sáp (chiếm 80% toàn huyện Cầu Kè) với Hợp tác xã Hoà Tân làm ăn ngày càng phát đạt.

Hiện dừa sáp vẫn giữ mức giá trung bình 120-150 ngàn đồng/trái. Vào mùa du lịch cao điểm, giá lên tới 250-400 ngàn đồng/trái. Mức giá “khủng” này đã khiến hàng ngàn gia đình nông dân Trà Vinh hăng hái trồng dừa sáp. Đặc biệt, vùng chuyên canh dừa sáp Hoà Tân hiện nay đã có 90% hộ nông dân (người Khmer) được xếp vào hàng triệu phú. Ông Thạch Dách (ấp Chông Nô 2) cho biết, sau khi bà con được cơ quan chức năng hướng dẫn thụ phấn trợ lực cho cây, tỷ lệ sáp từ buồng dừa sáp đã tăng từ 40-50%. Sau 7 năm trồng, một cây dừa sáp cho thu hoạch từ 10-12 triệu đồng/ năm. Nhà ông có 2 công đất (2.000m2) trồng dừa sáp nên cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào, dư sức cho các con học hành đến nơi đến chốn. Anh Thạch Em (Chông Nô 1) đặc biệt thích kỹ thuật trồng xen canh cây chanh không hạt trong vườn dừa sáp do “cán bộ hướng dẫn cho”. Trong thời gian 7 năm chờ dừa sáp cho trái, 15 công đất vườn nhà anh cho thu hoạch từ chanh không hạt bình quân 40 triệu đồng/năm. Khi dừa sáp cho trái là đúng lúc vườn chanh tàn, cây chanh được nhổ đi, “nhường” đất chăm dừa. Từ dừa sáp và cây chanh không hạt, hàng chục gia đình nông dân ở Chông Nô 1 đã xây được nhà lầu, sắm xe máy “xịn”; cho con cái ra thành phố học chữ, học nghề… Ông Thạch Chanh (Chông Nô 2) có vườn dừa 400 cây, 20% trong số này đang cho trái. Dự kiến khoảng 2 năm nữa, vườn cây ông Chanh sẽ cho trái 100%. Người làng bảo từ bây giờ kêu ông “tỷ phú” là vừa vì khi cây cho trái đồng loạt, mỗi năm ông thu về không dưới 1,5 tỷ đồng.

Vui cùng niềm vui của người nông dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Trà Vinh Lê Văn Bé cho biết: “Dân Cầu Kè chúng tôi giàu lên như một giấc mơ. Nhớ hồi thập niên 1980, dừa sáp bán không ai mua, giờ “đùng” cái, nó hoá thành “vàng” khiến nhà nhà đều vui. Mong sao dừa sáp giữ mãi được giá như bây giờ”. Niềm vui của ông Bé cũng như bà con nông dân Cầu Kè đã được nhân lên gấp bội khi đầu tháng 1/2013, trái dừa sáp Trà Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá. Điều này đồng nghĩa với việc trái dừa sáp Trà Vinh được công nhận là thương hiệu độc quyền trên toàn quốc./.

VEN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.