Đổi mới thi tốt nghiệp: Lo gian lận ở địa phương
Việc thí sinh thi ở địa phương vẫn được xét tuyển ĐH, CĐ dẫn đến hệ quả là tính nghiêm túc không đồng đều, không tạo được mặt bằng chung về kết quả. Đây là điểm yếu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu giải pháp khắc phục.
GS Đào Trọng Thi phát biểu tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều tán thành phương án một kỳ thi của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà các đại biểu yêu cầu Bộ GD-ĐT phải làm rõ.
Coi chừng lách điểm
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay phương án của bộ là hướng đến tổ chức theo cụm thi. Những thí sinh chỉ có mục tiêu thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi ở các cụm của tỉnh để đỡ phải đi lại tốn kém. Tuy nhiên, ông Luận cũng cho biết cơ hội vào ĐH, CĐ đối với các thí sinh chỉ thi ở cụm địa phương sẽ không đóng lại vì các trường ĐH có thể xét tuyển chỉ dựa trên kết quả tốt nghiệp.
Quan điểm này của Bộ GD-ĐT đã dẫn đến nhiều lo lắng của các ĐB. Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), thi là phải bảo đảm công bằng nhất, nghiêm nhất nhưng Bộ GD-ĐT đang chỉ bàn làm sao để thí sinh thuận lợi nhất. ĐB Phùng Ngọc Hùng (Cao Bằng) cho rằng việc thi cụm ở địa phương dẫn đến hệ lụy là khó thống nhất về chất lượng. Các kỳ thi ở địa phương đều có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao nhưng khi làm chặt ở ĐH, số lượng thí sinh đỗ ĐH rất thấp.
GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – nhấn mạnh việc thí sinh thi ở địa phương vẫn được xét tuyển ĐH, CĐ dẫn đến hệ quả là tính nghiêm túc sẽ không đồng đều, không tạo được mặt bằng chung về kết quả thi vì chắc chắn điểm thi của thí sinh thi ở cụm thi địa phương cao hơn thi ở cụm do các trường ĐH tổ chức. Theo GS Thi, đây là điểm yếu mà bộ cần nghiên cứu giải pháp khắc phục một cách tối đa. GS Đào Trọng Thi cũng lưu ý Bộ GD-ĐT cần đề phòng trường hợp lách quy định tuyển sinh, học sinh thi ở các cụm địa phương lấy điểm cao rồi lại xét tuyển vào các trường ĐH.
Trước những băn khoăn này, ĐB Dương Trung Quốc đặt vấn đề có nhất thiết phải thi thành cụm không và đề nghị nếu thí sinh nào định học ĐH thì thi cụm, còn không thì như hiện nay, để học sinh thi tại chỗ, bộ tăng cường giải pháp chống tiêu cực thi cử. GS Đào Trọng Thi cũng gợi ý nếu Bộ GD-ĐT đưa ra phương án này chỉ vì học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… thì nên giới hạn quy định thi cụm địa phương chỉ áp dụng các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Khi ấy, học sinh sẽ thi luôn ở các trường như hiện nay chứ không phải về cụm để tránh tốn kém. Tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết ngay trong chiều cùng ngày sẽ làm việc với giám đốc các sở GD-ĐT và hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ để thảo luận thêm về những vấn đề đặt ra. “Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức giám sát, thanh tra chặt chẽ việc tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, kể cả sau này đã thi đỗ thì công tác giám sát vẫn tiếp tục” – ông Luận nhấn mạnh.
Thay đổi lớn nhất là đề thi
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về những khó khăn, thách thức của Bộ GD-ĐT trước việc đổi mới thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là sức ì và thói quen. “Cách dạy và truyền thụ kiến thức một chiều đã đi sâu vào máu thịt của chúng ta. Tôi thành giáo sư cũng từ cách học ấy, thay đổi là một điều rất khó khăn. Làm sao để 2 triệu thầy cô, 20 triệu học sinh đều hiểu, thống nhất điều này?” – ông Luận nói. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết thay đổi quan trọng nhất của kỳ thi năm 2015 là nằm ở đề thi. Đề sẽ không kiểm tra kiến thức học thuộc lòng mà kiểm tra đánh giá năng lực nhận thức của học sinh.
Liên quan đến đề thi, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh đề thi chưa chắc đã giải quyết vấn đề điểm cao hay thấp mà chính là khâu coi thi, chấm thi. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần tính toán ra đề sao cho các thí sinh đáng được tốt nghiệp phải có mức điểm trung bình và kỷ luật phòng thi phải bảo đảm tính nghiêm minh.
Về sự thay đổi của các khối thi, ông Phạm Vũ Luận cho hay các trường có thể bổ sung môn thi do yêu cầu về đầu vào của nguồn nhân lực. Sự thay đổi này không phải “lung tung” nhưng các trường cũng không cần cố định các môn thi như trước đây. Theo ông Luận, Bộ GD-ĐT đang đôn đốc các trường thay đổi chương trình, nội dung dạy, từ đó có thể thay đổi những môn thi đầu vào. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm tới, qua trao đổi với các trường thì phần lớn đều giữ ổn định khối thi.
Đổi mới không thể nay rẽ trái, mai rẽ phải
Trước câu hỏi liệu lần đổi mới thi cử này có phải là cuối cùng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết năm sau sẽ tiếp tục thay đổi nhưng đúng hướng chứ không phải nay rẽ trái, mai rẽ phải, để rồi lại quay về điểm xuất phát. “Thay đổi thi lần này là trong thời kỳ quá độ, không thể chấp nhận cái cũ nữa nhưng cũng không thể đột ngột quá mà cần có thời điểm để học sinh thích ứng” – ông Luận khẳng định. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, năm 2016 tiếp tục có những thay đổi và bộ sẽ có những báo cáo đánh giá tác động đến xã hội. Phương án thi năm 2015 chưa phải là hoàn chỉnh của đề án nhưng “hồn cốt” là đổi mới thi cử sẽ theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Đề nghị cụm thi riêng cho khối công an, quân đội
Hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội chiều 23-9 với sự tham dự của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT phía Bắc. Tại hội nghị, các ĐB đã thảo luận về nhiều phương án kỹ thuật cho kỳ thi như cách thức tổ chức các cụm thi ở địa phương và ở các trường ĐH, CĐ. Trong đó, có ý kiến đề xuất nên thành lập cụm thi riêng cho các trường khối công an và quân đội. Các ĐB cũng thảo luận về thành phần ban đề thi, số lượng giấy báo kết quả thi cho thí sinh nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo của các trường…
Yến Anh/Người lao động