ĐBSCL phấn đấu tạo 400.000 việc làm vào năm nay

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong năm 2013 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tạo việc làm cho 400.000 lao động, nhiều hơn năm 2012 khoảng 100.000 người.

Để hoàn thành tốt chỉ tiêu trên, các tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp, coi đây là giải pháp chính nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh minh họa

Các tỉnh thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời tăng cường thông tin về việc làm, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn.

Các tỉnh đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng đào tạo nghề, giáo dục định hướng, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho lao động trước khi đi làm việc.

Bên cạnh đó, các tỉnh tăng cường dạy nghề theo hướng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường và tạo việc làm. Ưu tiên đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động thanh niên, lao động kỹ thuật cao làm việc tại các khu công nghiệp trong vùng.

Các tỉnh huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm nâng cao quy mô dạy nghề với nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế, sinh sống của từng nhóm đối tượng; chú ý dạy nghề lưu động, liên kết giữa các doanh nghiệp với làng nghề, cơ sở dạy nghề trong đào tạo nghề nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Toàn vùng hiện có trên 20% lao động chưa có hoặc thiếu việc làm. Thị trường lao động tại đây phát triển chậm hơn các vùng khác, chất lượng nguồn nhân lực thấp với 70% lao động chưa qua đào tạo.

Thế Đạt (TTXVN)
Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.