Thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp vài quảng cáo của nhà hàng rằng món ăn của họ “ngon như mẹ nấu”. Có lẽ trong ký ức của mỗi người, ai cũng lưu giữ những ấn tượng không phai mờ về những món ăn thân thuộc do chính tay mẹ mình nấu.
Mẹ tôi là một phụ nữ truyền thống, cả đời chăm lo chu đáo cho chồng con, nữ công gia chánh vẹn toàn. Riêng về tài nghệ nấu ăn, không từ ngữ nào miêu tả được tình yêu của tôi về những món ăn đậm đà tuyệt diệu ấy. Sau này khi đã rời vòng tay mẹ, đi đâu, ăn gì tôi cũng đều thầm so sánh với những món ăn của mẹ, để rồi nhung nhớ. Một trong những món tôi yêu thích nhất là món bún nước lèo Sóc Trăng, vì quê tôi ở Sóc Trăng.
Sóc Trăng xưa kia là một thị xã nhỏ, êm đềm và hiền hòa, với phần lớn dân nhập cư là người Triều Châu, còn gọi là người Tiều, và người gốc Khmer. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi dù là người gốc Tiều, mà lại nấu món bún nước lèo có nguồn gốc Khmer thật tuyệt vời.
Căn bản của món bún nước lèo Sóc Trăng là nồi nước lược cá lóc đồng được cô đọng từ vị mắm sặt và củ ngải bún. Muốn nấu một nồi nước lèo ngon, phải có mắm sặt ngon. Từng con mắm tròn trịa, thơm phức được nấu cho nhừ ra với gốc sả, ngải bún, rồi lược lại thật kỹ cho đến khi không còn mảnh xương nào. Nồi nước lèo lúc này có màu mắm nâu đùng đục, bốc mùi thơm ngào ngạt như chuyên chở bao nhiêu vị phù sa chắt chiu. Ngải bún đóng một vai trò quan trọng làm nên gia vị đặc sắc rất riêng của món bún nước lèo Sóc Trăng, mang đến cho món bún mùi hương đặc trưng, nồng nàn không thể lẫn lộn. Đó là một loại củ thuộc họ gừng, riềng, mảnh mai bằng ngón tay trỏ, màu vàng nâu.
Chăm chút nồi nước lèo xong, mẹ sẽ nêm nếm thêm ít gia vị như đường, bột ngọt, nước mắm cho vừa ăn. Cá lóc đồng nguyên con đã luộc được gỡ phần nạc trắng ngần để riêng, bên cạnh là những con tôm luộc đã bóc vỏ đỏ au. Thịt heo quay da giòn rụm màu hổ phách được chặt ra sẵn từng miếng nhỏ vừa ăn. Hôm nào gặp con cá lóc có trứng, mẹ tôi sẽ đánh trứng cá cho vỡ ra, hòa vào nồi nước lèo để từng cái trứng vàng li ti nổi dềnh trên mặt, mới trông đã thấy thèm.
Đến khi cả nhà vào bàn, mẹ tôi bắt đầu vũ điệu trụng bún. Vì sao gọi là vũ điệu? Bạn phải chiêm ngưỡng tận mắt mới thấy sự công phu của giai đoạn chuẩn bị cho tô bún nước lèo sao thật thấm thía và giữ độ nóng thật lâu. Bàn tay thoăn thoắt như múa, mẹ tỉ mỉ cho giá, hẹ, bắp chuối bào vào tô, xếp lớp bún trắng tinh lên trên và dùng chiếc vá to sâu lòng, cán dài bằng gỗ, khéo léo múc một vá nước lèo nóng hổi chan vào tô, rồi nghiêng tô, lấy cái vá chặn lại để chắt hết nước lèo trở vào nồi. Rồi mẹ lại múc vá khác, lặp lại động tác như vậy ba, bốn lần cho đến khi rau vừa mềm, bún vừa nóng. Sau đó, mẹ khéo léo gắp vài miếng nạc cá lóc xếp lên trên mặt bún, rồi một con tôm cong lưng đỏ lựng, vài miếng thịt quay da giòn cạnh nhau, đẹp như một bức tranh. Mẹ biết ý tôi, riêng tô của tôi lúc nào mẹ cũng nghiêng nghiêng cái vá, vớt cho bằng được mấy cái trứng cá lóc li ti cùng với nước lèo.
Bưng tô bún thơm lừng mùi mắm, mùi hẹ, mùi rau húng, nước bọt trong miệng tứa ra từng hồi. Mẹ tủm tỉm nhìn tôi vừa hít hà vì nóng và vì vị cay của ớt hiểm xắt nhỏ rắc trên mặt, ánh mắt đong đầy tình yêu thương mẹ hòa vào nồi bún nước lèo của gia đình…./.
MinhKhoi (phunuonline)