Bảo hiểm nông nghiệp thu hút nông dân
Mặc dù mới triển khai thí điểm nhưng bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân ở Bến Tre…
Năm 2012, Bến Tre là một trong số các địa phương được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên hai đối tượng là tôm (sú và thẻ chân trắng) và cá tra. Chương trình được triển khai tại 4 huyện là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Giồng Trôm với 16 xã. Đơn vị bảo hiểm là Công ty Bảo Minh Bến Tre. Mặc dù mới triển khai thí điểm nhưng bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân. Một phần vì nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng trong vụ nuôi năm 2011, phần nữa là nhờ mức hỗ trợ rất lớn từ Ngân sách Nhà nước (đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ 100%, cận nghèo là 80%).
Ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Bảo Minh Bến Tre cho biết: Toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm là tôm nuôi thâm canh, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm đa số. Có 1.261 hộ dân với tổng diện tích 501 ha (gần 1.800 ao nuôi) tham gia bảo hiểm. Tổng giá trị bảo hiểm gần 300 tỉ đồng, tổng phí bảo hiểm mà Bảo Minh thu được gần 22 tỉ (trong đó người tham gia bảo hiểm nộp hơn 8,5 tỉ, phần còn lại do Ngân sách hỗ trợ). Ông Hồng cũng cho biết, Bảo Minh Bến Tre đã xét duyệt gần 800 hồ sơ và chi trả số tiền bồi thường hơn 26 tỉ đồng, tổng số tiền bồi thường cho số hồ sơ còn lại khoảng 40 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền bồi thường cho các hộ dân tham gia bảo hiểm trên tôm dự kiến là 66,3 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với tổng phí bảo hiểm mà Bảo Minh thu được và gấp tới gần 8 lần so với số tiền mà người tham gia bảo hiểm phải đóng. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh: Số tiền bồi thường cao đã thể hiện rõ diện tích, tỉ lệ tôm nuôi thâm canh trong vụ nuôi 2012 của tỉnh là rất lớn. Bảo Minh Bến Tre cũng dự kiến trong năm 2013, số hộ, diện tích, tổng phí bảo hiểm, tổng giá trị bảo hiểm đều tăng cao khoảng 2,3 lần so với năm 2012.
Những kết quả đạt được trong thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Bến Tre có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Vụ nuôi tôm năm 2011, tỉ lệ thiệt hại cũng khá cao nên người dân rất lo lắng về rủi ro và thấy rõ tác dụng của việc tham gia bảo hiểm nên việc triển khai bảo hiểm cũng thuận lợi hơn.
Để việc triển khai đạt hiệu quả hơn, Bảo Minh Bến Tre kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ bồi thường đối với tôm thẻ chân trắng theo hướng tăng tỉ lệ bồi thường đối với tôm nuôi dưới 40 ngày và giảm đối với tôm nuôi từ 50 – 59 ngày, lý do là tôm nuôi từ 50 – 59 ngày nếu bị chết thì người nuôi đã hoàn vốn hoặc có lời nhưng lại được hưởng tỉ lệ bồi thường rất cao; còn tôm dưới 40 ngày lại được bồi thường thấp, người dân không đủ để tái sản xuất. Từ “kẽ hở” này, nhiều hộ dân đã không thông báo khi tôm chết ngay khi tình trạng này xảy ra mà báo muộn hơn để được hưởng số tiền bồi thường cao hơn.
Ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Bảo Minh Bến Tre cũng cho biết, Bảo Minh Bến Tre còn kiến nghị nới lỏng điều kiện tham gia bảo hiểm đối với các hộ nghèo và cận nghèo. Theo quy định, để được tham gia bảo hiểm người nuôi tôm phải có ao lắng và nơi chứa bùn, nhưng các hộ nghèo và cận nghèo vì ít đất sản xuất nên không thể đáp ứng yêu cầu này và phần lớn bị loại. “Chúng tôi kiến nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ra văn bản cho phép chúng tôi bán bảo hiểm cho các đối tượng này” – ông Minh nói. Bảo Minh Bến Tre cũng kiến nghị ngưng bảo hiểm đối với cá tra vì cả năm 2012 chỉ có 2 hợp đồng bảo hiểm đối với đối tượng này. Bến Tre có hơn 700 ha mặt nước nuôi cá tra, chủ yếu do các doanh nghiệp quản lý. Hầu hết các doanh nghiệp không mặn mà với bảo hiểm cá tra vì mức hỗ trợ từ ngân sách quá thấp trong khi phí bảo hiểm phải nộp quá cao. Hơn nữa, trong năm 2012, tỉ lệ ao treo rất cao do người nuôi cá tra không có lãi./.
Hưng Thịnh/TTXVN