Đến những người có kinh nghiệm nuôi ba ba lâu năm cũng phải thừa nhận, chưa bao giờ họ thấy hoặc nghe nói đến con ba ba nặng tới… gần nửa tạ!
Cuối tháng 10/2011, thông tin ông Nguyễn Bá Toàn (60 tuổi, trú tại ngõ 118, Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội) bắt được một con ba ba 22 kg tại sông Hồng đã khiến dư luận “choáng váng”. Thậm chí, nhiều người đã lặn lội tìm đến nhà ông Toàn để mục sở thị sinh vật “khủng” lạ kỳ này. Vì thế, câu chuyện về con ba ba ở Sơn La có trọng lượng gần nửa tạ, gấp hơn 2 lần sinh vật được mệnh danh là “quái vật sông Hồng” khiến chúng tôi nửa tin nửa ngờ.
Ngay cả khi phóng viên tìm về thị trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La, nhiều người dân ở đây cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Ở đây rất nhiều người nuôi ba ba. Nhưng ba ba lớn nhất, nuôi hơn 20 năm cũng chỉ được hơn 1 yến đến 20 kg là cùng, chứ nặng tới gần nửa tạ thì tôi chưa nghe bao giờ”, bác Nguyễn Văn Trung, một người dân địa phương tại đây khẳng định.
Người đầu tiên “sở hữu” con ba ba khổng lồ ấy là ông Trần Văn Bảo, một trong những “tay” lão luyện trong nghề nuôi ba ba ở thị trấn Sông Mã. Theo lời ông Bảo, con ba ba trứ danh vốn được ông mua năm 1993 trong một bộ 3 con (một con đực và hai con cái). Trong đó, con đực nặng 7 kg và hai con cái mỗi con nặng 5 kg với giá 100.000 đồng/1 kg. Ông bảo cho biết, tại thời điểm ấy, với một con ba ba giống có trọng lượng như vậy là khá lớn. Tuy nhiên, ông cũng không ngờ rằng, sau này nó đã trở thành con ba ba gai “khủng” có trọng lượng lớn chưa từng thấy.
Ba ba gai đực ở Sông Mã, Sơn La được coi là lớn nhất Việt Nam hiện nay
“Từ lúc mua rồi nuôi dưỡng, đến nay đã gần hai chục năm nhưng nó luôn dẫn đầu cả đàn về trọng lượng. Có thời điểm khi dọn ao, tôi cân nó được 50 kg. Với trọng lượng này, kể từ khi bắt đầu nuôi ba ba đến nay đã ngót nghét hai chục năm, tôi chưa từng bắt gặp, hay thậm chí nghe nói. Đặc biệt, nó còn có màu mai vàng óng ả, một điều đặc biệt quý hiếm đối với ba ba sống ở trong nước ngọt ở miền Bắc nước ta (thông thường ba ba gai sống trong nước ngọt, mai có màu đen)”, ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, con ba ba không chỉ đặc biệt vì lớn nhất, có màu sắc lạ mắt nhất mà còn là con vật hung dữ nhất, gây cho ông không ít… tai họa.
Đầu tiên là việc nó tấn công rất nhiều cá thể ba ba khác trong ao của ông. Ông kể: “Phàm là ba ba mới thả, lớn bé đều bị nó quấy quả, ăn thịt hoặc đánh chết. Năm 2010, nó còn đánh chết một con ba ba 30 kg (là con của nó) và rất nhiều con khác. Hậu quả, trong khi các hộ khác nuôi ba ba thì kiếm tiền tỷ mỗi năm, gia đình tôi thì hai năm liền thất thu vì nó”.
“Lẽ ra, nó quá lớn phải chuyển vào bể riêng, nhưng diện tích nuôi ba ba của nhà tôi hẹp quá nên không thể chuyển được. Vì thế, tôi đành dằn lòng bán nó và một con cái là một cặp (con cái nặng 20kg) cho anh Đặng Thanh Hải, cũng là một người nuôi ba ba ở gần nhà”, ông Bảo bùi ngùi kể.
Cặp ba ba “khủng” giờ ông Bảo đã “sang tên đổi chủ” cho anh Đặng Thanh Hải, cũng là một người có tiếng trong nghề nuôi ba ba ở Thị trấn Sông Mã.
Cha anh Hải, ông Đặng Hữu Duyên là Chủ tịch hội nuôi ba ba huyện Sông Mã với gần 30 năm dạn dày kinh nghiệm trong việc nuôi ba ba. Thế nhưng, anh Hải cũng thừa nhận, anh chưa từng thấy con ba ba nào có trọng lượng “khủng” như con ba ba đực anh vừa mua được./.
(Theo VOV)