Mấy ngày đầu năm, “ăn Tết” với các món ăn quen thuộc quá nhiều đạm, béo… Có dịp thưởng thức những món lạ, ngon của vùng đất phương Nam sẽ cho bạn nhiều thú vị với nghệ thuật ẩm thực dân dã nhưng không kém phần độc đáo. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xưa nay nổi tiếng về các món đặc sản vùng sông nước. Các bạn hãy thưởng thức qua vài món ẩm thực đặc trưng của xứ sở nầy.
Cháo dơi sen đất giồng
Đôi khi bạn quá “dội” với những món ăn nơi phố chợ. Nếu có dịp du hành về đồng bằng sông Cửu Long vào dịp tết, xin mời bạn đến huyện Cầu Kè (Trà Vinh) nằm bên tả ngạn sông Hậu. Nơi đây có những giồng đất sét pha cát dài, khá rộng, thích hợp cho việc canh tác các loại cây ăn trái đặc sản như sa-pô-chê, nhãn, cam sành, chuối.
Do có nhiều vườn nhãn, nên dơi sen cũng lắm. Dơi sen là loài dơi nhỏ con như chim sẻ, bay khá xa để kiếm mồi. Chúng rất thích ăn trái cây chín, có mùi thơm, nhất là nhãn, chuối chín, sa-pô-chê. Do sự phá hại trái cây của dơi sen, nên người ta đã tìm cách bắt chúng bằng cách giăng, chụp lưới, soi bắt. Ở Cầu Kè có vài nhóm người chuyên soi bắt dơi sen để cung cấp cho các nhà hàng ở Trà Vinh, Vĩnh Long và cả ở Cần Thơ.
Dơi sen nguyên con, cắt tiết, lột da, làm sạch. Thân, cánh, đầu băm nhuyễn xào sơ với mỡ hành phi cho thơm, hầm chung với cháo nên vị cháo rất ngọt, thơm. Cháo được nấu bằng gạo lúa mùa cũ rang vừa rám nhẹ, hột cháo khi chín nở búp, không bị lèn, cùng với một dúm đậu xanh, ít tai nấm rơm, vài sợi gừng, mấy khúc hành lá, tiêu đâm, ngò rí, ít bột nêm gia vị. Rau ghém ăn kèm có giá sống và rau vườn như rau đắng, cải trời, rau má…
Lẩu cháo sôi bùng lên ùng ục, múc muỗng cháo vừa nóng vừa ngọt, thơm đưa lên miệng sì sụp nếm, húp; thịt dơi chấm muối tiêu chanh ăn kèm với cải trời, rau đắng nhúng sương qua, mùi thơm bốc lừng lên, kích thích khẩu vị, tạo cảm giác hưng phấn, thèm ăn. Theo y học sổ truyền, cháo dơi thuộc âm, bổ, mát, an thần giúp ngủ ngon, giải cảm.
Một nồi lẩu cháo dơi chừng 12 con dành cho 4 người ăn giá 120.000/ đồng, lai rai với 1 xị rượu đế Xuân Thạnh nổi tiếng sẽ cho bạn ngất ngây trong buổi chiều bên sông Hậu hữu tình đầy lãng mạn… Dơi sen là một món ẩm thực đặc sắc, không phải ở đâu cũng có! Quán cháo dơi ở ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân (Cầu Kè) là địa chỉ hấp dẫn đối với những khách yêu thích nghệ thuật ẩm thực.
Gỏi ốc đắng trộn bắp chuối
Ốc đắng có khá nhiều ở ĐBSCL và quanh năm trên những cánh đồng, sông rạch, mương vườn. Chỉ cần cầm rổ thưa lội xuống kinh, rạch, mương, ao mò xúc khoảng non giờ đồng hồ là bạn có thể bắt được vài kí ốc đắng đem về lấy ruột làm gỏi, hoặc kho sả ớt…
Ốc đắng rửa sạch bùn đất, cho vào thau và ngâm vài tiếng đồng hồ với nước vo gạo cho ốc nhả cặn, nhớt, đất trong miệng ra, đem chà rửa sạch sẽ cho vào nồi luộc với ít lá sả, lá ổi cho thơm. Khoảng 10 phút sau thấy ốc tróc mày, đổ ra rổ, cho ráo nước, dùng tăm cứng, gai nhọn lễ lấy ruột bỏ riêng vào tô. Nếu muốn ăn nhanh, ta có thể ngâm ốc đắng vào thau nước sạch có pha giấm.
Bắp chuối xiêm hoặc bắp chuối hột xắt nhuyễn ngâm nước, vắt một miếng chanh để bắp chuối có màu trắng nhạt, không đen. Sau đó, ta vắt bóp nhẹ bắp chuối cho ráo nước, rưới vào gỏi nửa chén nước dấm có vài miếng tỏi ớt đâm dập và ít gia vị như bột ngọt, đường cát, nước mắm ngon. Cho ruột ốc vào trộn đều với gỏi bắp chuối và một ít da heo luộc xắt mỏng, rải lên dĩa gỏi một ít rau thơm xắt nhỏ cùng đậu phộng rang đâm hơi nhuyễn. Nếu có thịt ba chỉ luộc xắt mỏng sắp đều quanh dĩa gỏi thì tuyệt hảo.
Gắp gỏi ốc trộn bắp chuối kèm ít rau thơm như rau húng nhủi, quế, rau răm, chấm với nước mắm tỏi ớt để ăn cơm, hay nhâm nhi với chút rượu nếp ngon, bạn sẽ cảm nhận và thú vị với hương vị đậm đà của món ăn dân dã miền sông nước ĐBSCL.
Ốc bươu luộc sả
Ở miền Tây, khi những cơn mưa đầu mùa nặng hạt, các loài ốc bắt đầu sinh sôi, nảy nở khắp ruộng đồng, mương vũng. Ốc bươu luộc sả là món “ăn” tiêu biểu và dễ tìm kiếm nhất nơi thôn dã. Chịu khó ra mương vườn, ao, vũng, mé ruộng nước, mò hoặc vớt chừng hơn tiếng đồng hồ, sẽ kiếm được vài ký ốc tươi khá dễ dàng.
Ốc bươu bắt được, ta ngâm nước vo cơm chừng tiếng đồng hồ cho nó nhã nhớt; muốn nhanh hơn người ta có thể ngâm nó với nước ấm pha chút dấm chua. Lá sả, lá ổi hoặc lá bưởi khoảng nạm tay. Cơm mẻ độ nữa chén, dầm ớt hiểm, nêm muối, đường, bột ngọt… tán nhuyễn dùng để làm chất chấm.
Bắc nồi nước lên, nấu vừa sôi, bớt lửa rồi cho ốc đã rửa sạch vô nồi (nước xâm xấp, vừa khuất mình ốc). Cuối cùng bạn sắp lá sả, lá ổi… đậy nắp chặt và sốc nhẹ vài cái cho đều. Khoảng mười phút sau giở ra thăm, nếu thấy ốc đã hé mày là sử dụng được. Bạn bắc nồi ốc xuống, vớt ra thau. Mùi thơm của lá sả, lá ổi, lá bưởi xông lên ngào ngạt, sẽ cho bạn cảm giác thèm ăn.
Thế là chúng ta đã có một món ăn, hoặc nhậu mang đậm đà hương vị miền quê. Ốc bươu lễ ra chấm cơm mẻ, mềm mềm, dòn dòn, cay cay, beo béo, ngòn ngọt… Nếu nhâm nhi thêm vài cốc rượu thì thật tuyệt. Bạn sẽ cảm thấy lâng lâng và yêu mến luôn những con người hiếu khách của quê hương sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay, món ốc bươu luộc sả đã xâm nhập vào các nhà hàng đặc sản, các quán bình dân. Người thành thị bắt đầu cảm thấy đây là một món ngon, rẻ và nhiều dinh dưỡng, lại không ô nhiễm. Ốc bươu, có thể một ngày nào đó, sẽ không còn là món ăn dân dã nữa.
Lẩu rắn hổ hành
Rắn hổ có nhiều loại như hổ đất, hổ mây, hổ ngựa, hổ hành… Riêng rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh là ngon nhất. Rắn hổ hành bắt ếch, nhái, chuột đồng để ăn. Vì vậy, chỗ nào có nhiều chuột đồng thì chỗ đó cũng nhiều rắn. Hoặc là ở gần bờ ao, bờ đìa, bờ ruộng có cỏ rậm cũng có rắn hổ.
Mùa mưa rắn hổ hành thường bò vào nhà tìm chỗ ấm để ngủ, con nào con nấy bề tròn bự bằng cườm tay. Ở quê rắn hổ hành hay mò lại chuồng rình gà, tương kế tự kế, người ta sắp vỏ dừa, củi, cỏ khô để làm bẫy bắt chúng rất hiệu quả.
Rắn hổ hành, trung bình thân dài từ 5 – 7 tấc, nặng khoảng 700g, da có vằn sọc trắng và đen, đặc biệt nó đi đến đâu là có mùi giống mùi hành bay ra đến đó, nên gọi là rắn hổ hành. Rắn lớn chừng nửa ký một con là vừa ăn, nhiều thịt mà thịt lại mềm. Làm rắn trước tiên phải chặt bỏi đầu. Đem rắn hơ lửa cho cháy sém bên ngoài hoặc trụng nước sôi rồi cạo bỏ lớp vảy. Xong mổ bụng theo chiều dọc suốt từ đầu xuống đến chót đuôi, bỏ hết ruột lòng, nếu có trứng thì lấy trứng để riêng xào chung với thịt rắn, Chặt rắn thành khúc dài chừng hai lóng tay rồi xào sơ với hành sả tỏi. Sau đó bỏ vô nồi nước lạnh bắc lên bếp luộc, nấu, cho rắn chín. Tiếp đến, bỏ đu đủ hườm, sả bằm, củ sắn, đâu phọng hột nấu thêm mươi phút. Nêm thêm bột ngọt, nước mắm ngon, chút tiêu sọ đã giã nhỏ rồi thì nhắc xuống.
Thịt rắn vừa ngọt vừa mềm, da rắn dai dai giòn giòn, đu đủ mềm ngọt, nước sả thơm cay; thật là một món đặc sản tuyệt vời vùng sông nước. Lẩu rắn phải ăn thật nóng. Lẩu rắn hổ hành người khỏe ăn đã hấp dẫn, mà người bệnh cảm ăn cũng xuất hết mồ hôi, cơ thể sảng khoái. Nếu vừa ăn lẩu vừa nhâm nhi thêm vài ly rượu đế thơm thì trên cả tuyệt vời.
Theo y học cổ truyền, rắn hổ hành có tính mát, bồi bổ cơ thể… Rắn hổ hành không nằm trong danh sách các động vật hoang dã bị cấm nên du khách có thể tìm thưởng thức thoải mái ở những nhà hàng đặc sản hoặc các quán ẩm thực bình dân có ở khắp ĐBSCL./.
(Theo thesaigontimes)