Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Sáng 8/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH là một chính sách quan trọng nằm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, thể hiện mục tiêu, lý tưởng, bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị, xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh sẽ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XI về an sinh xã hội; hiểu rõ ý nghĩa của việc tham gia BHXH là góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội, từ đó tự nguyện tham gia.
Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: nội dung tuyên truyền cần khẳng định chủ trương phát triển mạnh hệ thống BHXH; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống BHXH; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ BHXH…Việc tuyên truyền trước hết phải tập trung phân tích nguồn gốc, bản chất, vai trò của BHXH. Bảo hiểm xã hội là nghĩa vụ, đồng thời cũng là quyền lợi chính đáng của bản thân người tham gia. Mọi sai phạm trong sử dụng, xử lý, thu, đóng BHXH không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm đạo đức công dân, dân chủ xã hội, cần lên án.
Giới thiệu về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) cho người cận nghèo, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho biết: một trong những mục tiêu rất quan trọng mà chính sách BHYT cho người nghèo, người cận nghèo đạt được là tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế. Khi có thẻ BHYT, các đối tượng này được chăm sóc y tế bình đẳng như những đối tượng có thẻ BHYT khác. Đến thời điểm này, trên 600 trạm y tế xã và tương đương trên cả nước đã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng, dịch vụ. Năm 2011, dự báo quỹ BHYT đối tượng cận nghèo đảm bảo cân đối thu – chi.
Tuy nhiên, tính đến 30/6/2011, mới chỉ có tổng số 1.577.216 người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT (chiếm khoảng 25% số người cận nghèo), cho thấy mức độ khó khăn trong phát triển BHYT của đối tượng này. Nguyên nhân là do mức hỗ trợ 50% của Nhà nước chưa đủ khuyến khích; người cận nghèo khi đi khám chữa bệnh vẫn phải cùng chi trả 20% chi phí cũng tạo nên những khó khăn nhất định, nhất là với các trường hợp điều trị mãn tính dài ngày, bệnh nặng chi phí lớn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT còn hạn chế; nhận thức của người dân cũng như trách nhiệm cộng đồng chưa cao….
Đề cập tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH – BHXH Việt Nam đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHTN được tổ chức ngày càng có chiều sâu, diện rộng, đa dạng về hình thức đã có tác động tốt, góp phần tăng thêm số người tham gia, hạn chế các vi phạm, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, công tác này còn chưa thật ấn tượng nên người lao động biết, hiểu về quyền, nghĩa vụ, mục tiêu, lợi ích của BHXH chưa rõ ràng, dẫn tới số lượng tham gia BHXH chưa đầy đủ; một số người lao động sau khi thôi việc đã không kịp thời đăng ký thất nghiệp theo thời hạn quy định.
Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là do một số nội dung quy định của pháp luật về BHTN chưa phù hợp thực tiễn như: chưa có quy định cụ thể về đối tượng tham gia BHTN là cán bộ, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; chưa có quy định trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên có phải đóng BHTN không? Quy định đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quá rộng sẽ tạo kẽ hở trong khi việc quản lý lao động chưa chặt chẽ…./.
(TTXVN)