7 đặc sản miền Tây mùa nào cũng có

Không cần phải là mùa nước nổi, những món ngon dân dã hóa đặc sản của miền Tây như bánh xèo, bún cá, lẩu mắm… luôn níu chân du khách bằng hương vị đậm đà khó quên.

Cá lóc nướng trui

Về Bến Tre, Tiền Giang hay An Giang… vào bất kỳ tháng nào, bạn cũng sẽ được người miền Tây hiếu khách mời món ăn dân dã này. Cá lóc vừa bắt dưới ao, rửa sạch, xuyên que tre từ miệng tới đuôi, sau đó cắm xuống đất và ém rơm khô xung quanh để nướng. Người nướng phải ước chừng được lượng rơm vừa đủ để cá chín tới, chín đều. Rơm tàn, cá được cạo lớp vảy bên ngoài bằng một bó rơm khô nhưng mềm mại đủ để không bị tróc da cá. Cá lóc nướng được ăn cùng rau sống, cuốn bánh tráng, sẽ thấy thịt cá chín mềm, vị thơm nồng của các loại rau.

ca

Bánh xèo

Bánh xèo thường được đổ trong chảo lớn và có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm… Nước chấm đóng vai trò quan trọng với vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm. Bạn có thể ghé bất cứ chợ nào ở các tỉnh miền Tây để ăn bánh xèo với giá 8.000 – 10.000 đồng một cái.

banhxeo

Bún cá

Đây là món ăn không thể bỏ qua với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng… Không giống bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Nước dùng chính là thành phần tốn nhiều thời gian nhất trong việc chế biến món ăn này. Để nấu nước dùng, người dân thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước trong và có vị ngọt.

bunca

Cháo cá lóc rau đắng

Nguyên liệu để chế biến món ăn này chính là cá lóc đồng. Cá lóc to, được làm sạch, ướp gia vị, hấp chín, lọc hết xương, tách thịt cá ra riêng đĩa. Rau đắng đất mọc tự nhiên trong vườn nhà. Cháo được nấu bằng gạo tẻ nở bung hết hạt, ninh thật kỹ. Tô cháo gồm thịt cá lóc, chút nấm rơm, một ít tương, lạc, giá, rắc một ít tiêu, hành, rau thơm thái nhỏ, gừng tươi, ớt, chanh. Đĩa rau đắng xanh tươi, mới ăn thì thấy rất đắng, sau cùng lại thấy vị ngọt nơi cổ họng, làm tô cháo cá lóc dân dã thật khó quên.

chao

Lẩu mắm

Nồi lẩu mắm được nấu khá cầu kỳ. Nước lẩu được nấu từ mắm sặc, mắm trèn và mắm linh với nước dừa hoặc nước hầm xương heo. Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ… Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát. Món lẩu mắm Cần Thơ là đặc sản trứ danh bạn nên thử khi về xứ này, ghé các quán ăn ở khu vực Bãi Cát, chợ Mới, đường Nguyễn Văn Cừ…

laumam

Bánh tằm bì

Bánh tằm bì gồm những sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo, được cho vào một chiếc đĩa, sau đó cho bì thái sợi, thịt heo xắt mỏng, ít rau thơm, dưa leo, giá sống, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho khách. Phần bì giòn bùi, thịt heo nướng thơm ngon, nước cốt dừa vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Khi ăn món này, trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng có thể chan thêm ít nước mắm ngọt.

banhtam

Gà hấp lá trúc

Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang, có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp Campuchia là Tịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Gà sau khi làm sạch, ướp với gia vị thì “nhồi bụng” bằng nấm mèo, hành lá, bún… và hấp cùng lớp lá trúc. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Ảnh: Vĩnh Hy.

ga

Theo VnExpress

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.