Theo Bộ Tài chính, quy định áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên, khâu bán buôn được áp dụng muộn nhất kể từ ngày 11/6 và khâu bán lẻ là ngày 21/6. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sữa bình ổn hơn.
Buộc doanh nghiệp giảm chi phí
Đã từ rất nhiều năm, giá sữa tăng như “con ngựa bất kham” dù có lúc thị trường sữa trên thế giới giảm. Vì vậy, việc áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm trên 60 thị phần sữa trẻ em) được coi là biện pháp rất mạnh và thiết thực của Bộ Tài chính.
Theo đó, từ ngày 1/6 sẽ có 25 sản phẩm sữa bị khống chế giá trần (chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) như: Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Abott Grow 3…Việc quản lý giá trần đối với 25 mặt hàng sữa được thực hiện trong 12 tháng. Với những sản phẩm sữa khác đang lưu thông trên thị trường hoặc những sản phẩm mới chưa lưu thông, các tổ chức, đơn vị phải tự xác định giá bán tối đa và gửi về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để xem xét phê duyệt. Mức giá tối đa trong bán lẻ được xác định bằng giá tối đa trong bán buôn cộng chi phí khác có liên quan nhưng không quá 15% của giá tối đa trong bán buôn.
Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức tại thị trường Hà Nội (Đội Cấn, Hàng Buồm), giá bán sữa Enfamil A+1 hộp 900g là 476.000 – 485.000 đồng/hộp, Similac GainPlus IQ 900g (với Intelli-Pro) có giá 575.000 – 590.000 đồng/hộp… Nếu so sánh khung giá trần bán buôn do Bộ Tài chính công bố thì giá bán lẻ trên thị trường đang cao hơn tới 120.000 – 150.000 đồng/hộp. Nếu so với cách tính giá bán lẻ mà Bộ Tài chính quy định thì giá bán lẻ trên thị trường trong thời gian tới sẽ phải giảm 50.000 – 70.000 đồng/hộp tùy từng loại.
Ví dụ: Sản phẩm sữa Dielac Alpha 123 loại 900g sau khi áp giá trần sẽ ở mức 192.000 đồng/hộp, trong khi ngoài thị trường đang bán với giá cao hơn gần 20.000 đồng/hộp; giá trần của Frisolac Gold loại 1,5kg là 632.000 đồng/hộp nhưng thực tế đang bán ở mức 660.000 đồng/hộp, tăng gần 30.000 đồng/hộp; giá trần Similac Gain IQ loại 900g sẽ ở mức 466.000 đồng nhưng hiện có cửa hàng bán ở mức 485.000 – 490.000 đồng/hộp.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết: Áp giá trần là một biện pháp đúng và rất cần thiết của cơ quan quản lý. Trước đây, thị trường sữa lặp đi lặp lại điệp khúc tăng giá theo chu kỳ và tồn tại nhiều nghịch lý như giá cao hơn so với mức thu nhập của người dân; so với khu vực và trên thế giới. “Qua đợt thanh tra vừa qua của Bộ Tài chính và Công Thương cho thấy: Lợi nhuận của doanh nghiệp sữa rất cao, trong khi có nhiều chi phí bất hợp lý như tiền tiếp thị quảng cáo. Đó là những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra giá trần như vậy. Áp mức giá bán thấp, buộc doanh nghiệp phải giảm chi phí để hạ giá thành”, ông Long nói.
Đề phòng doanh nghiệp lách luật
Đồng tình với biện pháp mạnh của Bộ Tài chính là áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa quen thuộc của nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Đây chỉ là biện pháp tình thế mang tính hành chính. PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng: Doanh nghiệp sữa sẽ tìm cách đối phó, lách luật theo nhiều cách như: Thay đổi mẫu mã, tên gọi để không nằm trong danh sách sản phẩm bị áp trần; sẽ tăng giá những mặt hàng sữa khác như sữa dành cho người lớn, người già, người ăn kiêng… để cân đối lợi nhuận. Do vậy, PGS.TS Thọ cho rằng: Bộ Tài chính nên kiểm soát chặt chẽ thành phần trong mặt hàng sữa trước và sau khi áp dụng trần giá sữa; kiểm soát chặt giá sữa dành cho các đối tượng khác cũng như giá sữa bán lẻ tại các đại lý.
“Bắt bài” việc “lách” trần giá sữa
Tại cuộc họp báo chiều 27/5 của Bộ Tài chính về quy định áp trần giá sữa có hiệu lực kể từ ngày 1/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: Khi ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện giá trần, Bộ Tài chính đã tính toán và lường trước một số trường hợp doanh nghiệp sữa sẽ “lách luật” bằng cách thay đổi mẫu mã, tên gọi, trọng lượng để “né” tên sản phẩm thuộc diện phải áp giá trần.
Theo đó, những mặt hàng bị áp giá trần nếu thay đổi trọng lượng, doanh nghiệp phải tính toán lại giá đúng theo trọng lượng mới. Trường hợp thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì được coi là sản phẩm mới và tính lại giá bán tối đa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.
Về thông tin một số doanh nghiệp sữa “kêu” sẽ phải ngừng kinh doanh các sản phẩm sữa bị áp giá trần bởi thực hiện chắc chắn là thua lỗ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ chưa nhận được phản ứng của doanh nghiệp nào về quy định áp giá trần đối với sữa cả. “Mức giá bán buôn đã có tính đến lợi nhuận hợp lý. Còn đối với giá bán lẻ, theo quy định sẽ không cao hơn 15% so với giá bán buôn nên các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ sữa phải cắt giảm, tiết kiệm chi phí để có lợi nhuận. Khâu phân phối phải thu hẹp lại.
Còn nếu giữ như hiện nay, các khâu phân phối sẽ phải chia nhau phần lợi nhuận này”, ông Tuấn nói. Ngoài quy định giá trần đối với 25 sản phẩm sữa, Bộ Tài chính cũng ban hành quy định hướng dẫn cụ thể đối với tất cả sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi đang có bán trên thị trường. Trên tinh thần giá bán tất cả mặt hàng sữa dành cho trẻ sẽ bị siết chặt.
Về việc áp giá trần, theo đại diện Vinamilk (doanh nghiệp có 5 sản phẩm sữa bị áp giá trần) cho hay, việc áp giá trần lần này sẽ gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Theo mức giá mới, các sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn của công ty sẽ chịu lỗ khoảng 4%. Nếu điều chỉnh đúng với giá trần, các mặt hàng của Vinamilk phải giảm trung bình 21% và doanh nghiệp sẽ lỗ.
Còn hãng Mead Johnson Nutrition Vietnam (đơn vị có 5 sản phẩm sữa bị áp giá trần) cho hay: Việc áp giá trần sẽ tạo gánh nặng đáng kể cho các nhà phân phối đang lưu kho một lượng lớn sản phẩm sữa của Mead Johnson với mức giá tại thời điểm mua hàng. Như vậy, sau ngày 1/6, họ sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, “điệp khúc” lỗ của những doanh nghiệp sữa bị áp giá trần dường như không nhận được sẻ chia của dư luận. Theo kết luận giá sữa của Bộ Tài chính mới đây, trong 5 doanh nghiệp bị thanh tra là: Vinamilk, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Friesland Campina Việt Nam, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A, chỉ có Vinamilk thực hiện đúng quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, trong khi 4 doanh nghiệp còn lại đều chi vượt mức quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 386 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân cơ bản làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo quy định về công bố giá trần, ngoài 25 sản phẩm, khi doanh nghiệp có thay đổi mẫu mã, hàm lượng và tên gọi sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì doanh nghiệp phải đăng ký và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Minh Phương