“Ðến nay, nông dân trồng lúa vẫn chưa thể thoát nghèo. Vùng kém phát triển nhất vẫn là các vùng chuyên canh cây lúa. Tiền lời làm ra đã “thẩm thấu” hết qua khâu trung gian với các thương lái, công ty xuất khẩu gạo, phân bón, bảo vệ thực vật…”. Ðó là ý kiến của GS, TS Võ Tòng Xuân – người đã nhiều năm gắn bó với cây lúa và nền sản xuất lúa gạo nước ta. Ðể thay đổi điều đó, cần coi nông dân là trung tâm của các chính sách phát triển sản xuất lúa gạo, đồng thời đổi mới cơ chế xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo trên thị trường thế giới.

Giải quyết từ gốc thay vì hớt ngọn
Những thành tựu nước ta đạt được trong xuất khẩu gạo suốt hơn 20 năm qua là đáng tự hào, nhưng người nông dân lại không được hưởng lợi xứng đáng từ công sức bỏ ra. Tại ÐBSCL, một bộ phận lớn nông dân đang ngày đêm vất vả bám trụ trên những cánh đồng mà lời lãi thu được chẳng đáng là bao. Một bộ phận khác với đất đai manh mún, qua nhiều vụ mùa thua lỗ đã trở nên khánh kiệt và phải bán đất, lưu lạc lên thành phố mưu sinh. Theo điều tra mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, có tới hơn 48% số hộ dân nông thôn không hài lòng với cuộc sống. Phần lớn hộ dân đang phải chịu nhiều cú sốc, nhất là cú sốc trong thu nhập, do thiên tai, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều; sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp, rủi ro cao…
Nguyên nhân của thực trạng đó là do mức thu nhập của người nông dân ngày càng giảm. Thu nhập chính nhờ cây lúa nhưng liên tiếp những năm gần đây, giá lúa xuống thấp, khiến họ lao đao. Ðể giải quyết “nút thắt” này, nhiều năm nay, Chính phủ đã cho thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo nhưng hiệu quả không như mong muốn. Vì chính sách tạm trữ chỉ mang tính tình thế, nhất thời, về lâu dài không thể mùa vụ nào cũng đem áp dụng.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ÐBSCL Nguyễn Văn Sánh, cái gốc của vấn đề nằm ở việc tăng giá gạo xuất khẩu, để từ giá gạo xuất khẩu quy ra giá mua lúa cho nông dân. Tất nhiên, muốn nâng giá bán gạo xuất khẩu thì cần cải thiện chất lượng hạt gạo. Theo đó, việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo có vùng nguyên liệu phải trở thành yêu cầu bắt buộc, chứ không chỉ mang tính khuyến khích, ưu tiên như hiện nay. Ðiều này cần sự dứt khoát từ phía Chính phủ.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công thương trình. Trong đó, yêu cầu Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Còn dưới góc nhìn của người trực tiếp sản xuất ra hạt lúa và chịu tác động chính từ các chính sách sản xuất và thu mua lúa gạo, họ có suy nghĩ gì khác? Trong câu chuyện với Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Hà Bao 1, xã Ða Phước (An Phú, An Giang) Huỳnh Trung Thu, ông chia sẻ băn khoăn: Giá gạo Việt Nam luôn ở mức rất thấp so với nhiều nước xuất khẩu gạo, nhất là Thái-lan. Liệu đây có phải là kết quả của sự độc quyền trong mua, bán gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)? Do độc quyền mà VFA bán gạo với giá rẻ rồi quay lại mua lúa của nông dân chúng tôi với giá thấp? Và vì độc quyền, “ăn” lợi nhuận theo chênh lệch đầu tấn cho nên VFA không đầu tư nâng cao chất lượng hạt gạo, không thiết tha với việc đầu tư kho chứa lúa, nhà máy xay lúa, đồng thời cũng nói không với việc tạo ra thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
Ông Thu cho rằng, nếu Chính phủ trực tiếp đứng ra thu mua lúa gạo, định giá gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân như các nước Thái-lan, Pa-ki-xtan hay Ấn Ðộ đang làm thì chắc chắn sẽ cải thiện được thu nhập và ổn định đời sống cho người trồng lúa.
Ngoài giải pháp tác động lên giá gạo xuất khẩu và cần vai trò trực tiếp của Chính phủ trong khâu thu mua lúa, điều hành xuất khẩu gạo thì giải pháp tăng thu nhập cho nông dân được nhiều chuyên gia khuyến cáo trong thời gian gần đây là cần giữ diện tích trồng lúa nhưng thực hiện đa dạng các cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn.
Thực tế đã có mô hình chuyển đổi thành công, điển hình như xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) chuyển gần như toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, rau màu. Ðáng chú ý, mô hình trồng ngô non, vào thời điểm giữa năm 2012, một công (1.000 m2) cho lợi nhuận hơn 2,9 triệu đồng; khoai cao sản (ba vụ) thu bình quân hơn 21,7 triệu đồng/vụ; ớt trên 35 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, ngoài những xã chuyển đổi quy củ và điển hình như Bình Phước Xuân, thì ở hầu hết các địa phương, sự chuyển đổi tự phát đã dẫn đến những hệ quả khó lường.
Anh Phúc ở thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) đã từng chuyển từ trồng lúa sang trồng ớt, vụ đầu bán với giá 50.000 đồng/kg thì vụ sau giá rớt thê thảm xuống 10.000 đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ được. Anh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) cũng chuyển đổi 30 công ruộng sang trồng đậu phộng, kết quả lỗ 30 triệu đồng trong một vụ do không tìm được đầu ra.
Hộ gia đình anh Tú ở huyện An Phú (An Giang) cũng chuyển đổi năm công lúa sang trồng bắp, mặc dù có công ty thu mua nhưng anh cho biết, tính ra vụ ngô thu hoạch trong tháng tới cũng chỉ hòa vốn chứ không có lời. Ðiều đó cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng cần được thực hiện trên cơ sở có đầu ra ổn định. Vì giữa mô hình thí điểm và việc triển khai đại trà trên quy mô lớn hàng trăm nghìn ha là một khoảng cách xa vời. Nhất là cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa hề có quy hoạch cụ thể về chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây khác cho nên đó chỉ là một hướng đi trong tương lai…
Tiếp sức cho nông dân

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng xét cho cùng các chính sách vẫn còn xa rời cuộc sống của nông dân. Anh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) cho rằng: Các chính sách hoạch định cho nông dân thì nhất thiết phải có sự tham khảo ý kiến của nông dân.
Cụ thể như Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo – tức là buôn bán sản phẩm của chính nông dân làm ra, nhưng chúng tôi lại không hề được tham khảo ý kiến trong bất kỳ quy trình soạn thảo nào. Hay chính sách thu mua tạm trữ, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cũng vậy, nông dân được xác định là đối tượng hưởng lợi chính nhưng không một ai được hỏi tâm tư, nguyện vọng.
Chưa kể, Hội Nông dân đại diện cho quyền lợi của chúng tôi nhưng hầu như rất ít lên tiếng bênh vực nông dân. Ngay tại các kỳ họp Quốc hội chúng tôi theo dõi, dù đời sống nông dân được nhiều đại biểu đề cập đến nhưng tuyệt đối không thấy ý kiến phản ánh nào từ đại diện Hội Nông dân. Tôi còn nhớ, năm 1998, UBND xã đến tận nhà phát cho một số nông dân Thẻ hội viên, nhưng từ đó đến nay không hề có hội họp gì cả, bản thân tôi làm lúa đã 20 năm, tôi vẫn không hiểu mình có phải là hội viên Hội Nông dân hay không?
Những băn khoăn ấy của người nông dân Ðồng Tháp hẳn cũng gợi mở cho chúng ta nhiều điều. Trong đầu tư cho nông nghiệp, tiền là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Chính sách không thông thì có tiền cũng khó giải ngân, mà có giải ngân thì cũng khó đến tận tay người được thụ hưởng. Vì vậy, điều hành kinh tế vĩ mô nhưng không thể cứ mãi làm chính sách theo kiểu “ngồi phòng máy lạnh” mà cần trực tiếp xuống với dân, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu cái họ cần và cái họ thiếu để hoạch định chính sách cho thực tế. Hiện nay, cách làm này chưa được quan tâm đúng mức, đối với cả cơ quan ban hành chính sách và cơ quan giám sát việc thực thi chính sách.
Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị với hai nội dung chính là, giao khoán ruộng đất cho nông dân và tự do mua bán sản phẩm đã tạo ra bước đột phá lớn cho nền nông nghiệp nước nhà. Kết quả, chỉ sau một năm, nước ta tăng hai triệu tấn lương thực, mặc dù vẫn đồng ruộng và những người nông dân ấy. Tình hình kinh tế – xã hội mỗi thời kỳ mỗi khác, nhưng chắc hẳn những người nông dân đều mong ước về một sự đột phá trong chính sách phát triển sản xuất và kinh doanh lúa, gạo – một “khoán 10” mới trong thời điểm hiện nay.
Nhiều năm nay, nông nghiệp đã làm tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, nhưng giờ đây, trụ đỡ đó đang lung lay? Những người nông dân làm ra hạt gạo nuôi sống gần 90 triệu dân, còn dư thừa cho xuất khẩu, đem về kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm; những người chưa từng góp một đồng nào vào “khối u” nợ xấu, đang đứng trước nguy cơ nghèo dần đi trên chính thửa ruộng của mình. Gặp họ trên những cánh đồng mênh mông, bát ngát ở ÐBSCL, một điểm tương đồng dễ nhận thấy là nước da đen nhẻm do phơi mình trên đồng ruộng quanh năm suốt tháng và cả dấu vết của sự nhọc nhằn “lấn” thêm vào tuổi tác.
Câu chuyện nào rồi cũng dẫn đến những tâm tư về đồng ruộng, về sự tha thiết bám đất, bám đồng để mưu sinh. Trong những ước mơ và khát khao của họ dường như ẩn chứa nhiều sự cam chịu. Có thể, với tình hình sản xuất như hiện nay, họ vẫn chăm chỉ làm ăn, chắt chiu lấy công làm lãi.
Thiết nghĩ Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành không thể bằng lòng về sự cam chịu ấy, mà cần coi những vấn đề đặt ra trong đời sống và sản xuất lúa gạo của nông dân hiện nay đang ở mức báo động và có giải pháp điều chỉnh kịp thời. “Phi nông bất ổn” – đúc kết ấy chưa bao giờ cũ, nhất là đối với đất nước có tới 70% dân số là nông dân như Việt Nam.
Theo Nhân dân