Ứng xử của các nhà báo trẻ trước sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản và Đoàn Thanh niên các cơ quan báo chí trong Khối tổ chức tọa đàm khoa học “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ”.

Đến dự buổi tọa đàm có nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và đông đảo các nhà báo trẻ, cán bộ, đoàn viên Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

Tọa đàm khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên, nhà báo trẻ - Ảnh: PC

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS. Lê Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Việt Nam là quốc gia có sự thâm nhập nhanh chóng của nhiều phương tiện truyền thông mới, tạo nên những thay đổi to lớn của nền báo chí Việt Nam, các hoạt động tác nghiệp báo chí, cũng như những xu thế hướng tiếp cận thông tin mới của công chúng báo chí. Có thể khẳng định rằng, dù đi sau nhưng tính ứng dụng về công nghệ thông tin của báo chí Việt Nam không hề thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.
Việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong các ngành truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo in là luồng gió mới, sức sống mới sôi động, đa dạng của đời sống báo chí Việt Nam. Những sản phẩm truyền thông mới đa dạng, hấp dẫn hơn, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị – xã hội của các cơ quan truyền thông tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam cũng mang nhiều bất lợi, chiêu bài công kích vào tự do báo chí, các vấn đề về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền được các thế lực thù địch lợi dụng các phương tiện truyền thông mới để xuyên tạc, chống phá… Vì vậy, các nhà báo trẻ là lớp người đi tiên phong trong ứng dụng các phương tiện truyền thông mới vào tác nghiệp và các hoạt động thông tin khác. Đây là đội ngũ thấy rõ nhất những ưu điểm của các phương tiện truyền thông mới để tận dụng cho sự phát triển của cơ quan báo chí, đồng thời cũng là đội ngũ nhận thức rõ những bất lợi của các phương tiện truyền thông mới để tỉnh táo, sáng suốt, nâng cao bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ chuyên môn…

Trao đổi tại buổi tọa đàm, Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ trong nghề báo, suốt đời người làm báo là quá trình thu thập và xử lý thông tin, người làm báo nào cũng thu thập thông tin, việc thu thập thông tin là quan trọng đối với người làm báo. Hiện nay, các thông tin trên mạng xã hội tạo ra phương pháp thu thập thông tin không cần quan sát trực tiếp, vì vậy làm mất đi phương pháp trực quan. Đặc biệt, việc thu thập thông tin trên các trang mạng để phục vụ trong các bài viết nó làm mất đi nhiều chi tiết sinh động. Nhà báo Hữu Thọ cho rằng: Chi tiết kim cương trong các bài viết là chi tiết trung tâm của bài viết thường nảy sinh từ quan sát trực quan, tiếp xúc trực tiếp…

Nhà báo Hữu Thọ cũng chỉ ra hạn chế của thông tin trên mạng xã hội làm cho nhiều thông tin sai sự thật, tình trạng nhiễu thông tin và trong đó nhiều tin đồn làm. Vì vậy, các nhà báo trẻ cần phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp trước những thông tin, nhất là đứng trước những thông tin trên mạng. Nhà báo Hữu Thọ cho rằng, bản lĩnh chính trị được sinh ra từ trải nghiệm xã hội, quá trình trải nghiệm, cầm bút viết quan trọng nhất gắn đến 4 công đoạn đó là “đi – đọc – hỏi – thấy”.

Nhà báo Hữu Thọ trao đổi với các nhà báo trẻ, đoàn viên, thanh niên cơ quan báo chí trong Khối cơ quan Trung ương tại buổi tọa đàm - Ảnh: PC

Chia sẻ về việc sử dụng thông tin trên mạng xã hội, TS. Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trẻ cần thận trọng khi đề cập những nội dung liên quan đến các thông tin khai thác được trên các mạng xã hội, đặc biệt không nên đăng tải các thông tin mà thu thập trong quá trình tác nghiệp nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng để đưa lên các trang cá nhân. Các nhà báo cần phải biết thẩm định các nguồn thông tin từ Internet, vì nhiều thông tin trích dẫn sai hoặc trước đó các trang báo đã trích từ các nguồn không rõ ràng…
Tuy nhiên trong môi trường truyền thông mới, nguồn thông tin trên mạng xã hội rất phong phú, trong đó nhiều thông tin là các đề tài hay, cách nhìn mới để cho các nhà báo trẻ tiếp cận, nhưng cần coi đó là nơi cung cấp thông tin và tính trung thực đến đâu cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, trước khi sử dụng chúng.

Trao đổi ở một khía cạnh khác, phóng viên Nguyễn Việt Đức của Báo Vietnamplus đưa ra cảnh báo hiện tượng “nhà báo bàn giấy” ở nước ta đang tồn tại nhiều bất cập trong đó xa rời thực tế, vi phạm bản quyền tác giả, nhiều thông tin trở thành “miếng mồi ngon” cho các thế lực thù địch…
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà báo trẻ, các nhà khoa học đã làm rõ sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và những tác động của nó; đánh giá mức độ thâm nhập vào Việt Nam và những ảnh hưởng của nói đối với công việc hằng ngày của các nhà báo. Đồng thời, dự báo trong tương lai nền báo chí thế giới sẽ có những bước phát triển thế nào dưới tác động của các phương tiện truyền thông mới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đã nêu rõ thực trạng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, sức mạng tiềm ẩn và việc tận dụng nó, đồng thời đưa ra những định hướng về phương pháp, kỹ năng ứng xử cần thiết về phương tiện truyền thông mới…/.

ĐSCVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.