Sách cho thanh thiếu niên: Vẫn còn khoảng trống

Tuổi teen là lứa tuổi được nhìn nhận luôn có những diễn biến phức tạp trong sự phát triển về tâm sinh lý. Để các em có thể phát triển toàn diện về tinh thần cần trang bị cho các em những hiểu biết về cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách công bằng thì sách dành cho lứa tuổi này vẫn còn nhiều khoảng trống.

Sách dành cho thanh thiếu niên vẫn chưa thực sự hấp dẫn (ảnh có tính chất minh họa).

Khó trong việc lựa sách cho tuổi mới lớn

Ở lứa tuổi 14 – 17 tuổi thường các em không còn mặn mà với thế giới cổ tích trẻ thơ. Bên cạnh những cuốn sách tìm hiểu về thế giới thường thức xung quanh các em rất cần những cuốn sách về kỹ năng sống khám phá bản thân. Đây là lứa tuổi các em đang tập làm người lớn song chưa đủ để đọc những sách dành cho tuổi 18+. Bởi vậy định hướng các em như thế nào trong việc đọc sách là vấn đề không đơn giản.

Chị Hương công tác ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ: Nhà chị có cô con gái lớn năm nay 15 tuổi học lớp 9. Một năm gần đây cháu bỗng trầm tính hơn ít thích chia sẻ với bố mẹ. Cháu thường xuyên thích ngồi một mình trong phòng. Có lần dọn phòng cho con chị tìm thấy một vài cuốn sách dành cho người lớn. Là người mẹ khá tâm lý nên chị đã tìm cách trò chuyện chia sẻ với con gái. Chị muốn giúp con tìm đến những cuốn sách hay hợp với lứa tuổi teen này nhưng ngay cả chị cũng băn khoăn không biết phải lựa chọn ra sao bởi sách dành cho lứa tuổi này đa dạng xong chưa có tiêu chí kiểm định nghiêm túc. Đó là sự trăn trở của không ít bà mẹ có con ở độ tuổi này.

Còn anh Nam ở Cầu Giấy (Hà Nội) sau hơn một tiếng đồng hồ lựa chọn tại Hiệu sách Tràng Tiền mới mua được cho con trai 5 cuốn sách trong đó có tới 3 cuốn sách mà thề hệ của anh ngày xưa đã say mê đó là Tốt – tô – chan, Cô bé ngồi bên của sổ, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Cánh buồm đỏ thắm và tập truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh cùng một cuốn sách về giới tính mà anh phải dành thời gian đọc khá kỹ mới dám mua cho con. Theo anh, sách dành cho lứa tuổi này không phải là ít nhưng sự phân biệt rạch ròi về sách cho các lứa tuổi vẫn chưa rõ ràng vì vậy các phụ huynh rất khó trong việc lựa chọn cho con. Những người mua cẩn thận thường phải đọc trước những cuốn sách mới xuất bản hiện nay, đặc biệt là những cuốn sách giáo dục về giới tính thì mới yên tâm cho con đọc. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn mà lại cho con tự mua sách.

Sách ngoại vẫn lấn lướt sách nội

Hiện nay các nhà sách Kim Đồng, Vinabook, Nhã Nam, Thái Hà, Giáo dục… cũng dành nhiều ưu ái cho việc xuất bản sách dành cho lứa tuổi này.

Chị Phùng Hà – Cán bộ NXB Kim Đồng cho biết: Về cơ bản, mảng sách tuổi teen được chia làm hai loại chính. Trước tiên là mảng sáng về kiến thức thường thức hàng ngày. Mảng sách này khá sinh động với đủ loại sách tư vấn các vấn đề tâm sinh lý mà ở lứa tuổi mới lớn đang gặp phải. Ngay trong mảng sách này cũng chia làm nhiều dạng, có đầu sách phân tích các thay đổi sinh lý dưới góc độ khoa học thường thức, có loại sách lại được thể hiện theo dạng trao đổi, giải đáp. Điểm chung giữa các loại sách này là tính dễ hiểu, dễ gần các bạn trẻ và lại giúp các bậc phụ huynh biết cách giải quyết, trả lời những thắc mắc hay vấn đề mà con em mình gặp phải khi bước vào tuổi dậy thì. Mảng sách thứ hai là mảng sách văn học bao gồm những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước viết về thế giới xung quanh trong sự cảm nhận của lứa tuổi mới lớn với đầy đủ những cung bậc tình cảm ở giai đoạn này.

Tuy nhiên, nếu quan sát tại các nhà sách độc giả đều nhận thấy phần lớn vẫn là các sách dịch. Sách của các tác giả trong nước chiếm số lượng ít hơn nằm khiêm tốn trên các kệ sách. Phải kể đến hàng loạt những tác phẩm dịch mua bản quyền từ nước ngoài như Nhóc Nhi cô lai, Chạng vạng, Trăng non, Bí mật tiếng dương cầm, Tôi 14 tuổi và tôi đáng ghét, Người nổi tiếng và tôi, Phép thuật, Nghệ sĩ quê mùa, Nữ hoàng vũ hội, Vờ như 19… Hầu hết chúng được các nhà văn chuyên nghiệp, dày dạn vốn sống viết. Tác phẩm không chỉ mang hơi thở hiện đại mà còn chuyển tải được những bài học về ứng xử, bài học nhân sinh sâu sắc một cách khéo léo.

Đánh giá một cách công bằng thì sách của các tác giả Việt Nam không ít nhưng phong cách viết và nội dung chưa thực sự thu hút các em. Nguyên do cũng bởi các cây bút viết cho thiếu nhi thường đã quá độ tuổi này tới mấy chục năm. Những cây bút lớn tuổi dù rất tâm huyết với mảng sách này như Đoàn Thạch Biền (Mùa hè khắc nghiệt), Đinh Tiến Luyện (Sân cỏ ước mơ), Nguyễn Quang Sáng (Nó và tôi), Hồ Thi Ca (Xin lỗi người dưng), Từ Kế Tường (Ngày vắng mưa thưa) cũng không tránh khỏi bị coi là nội dung già so với tuổi teen. Sau này nhiều cây bút trẻ như: Vũ Đình Giang, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Châu Giang, Liêm Trinh, Nguyễn Thị Việt Nga, hay những cây bút học trò, sinh viên cũng tham gia tích cực tuy nhiên về chất lượng còn hạn chế. Một hiện tượng khá độc đáo được các bạn ở tuổi mới lớn đón nhận rất hào hứng đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác giả đã có hàng loạt tác phẩm viết cho tuổi teen được yêu thích như: Cô gái đến từ hôm qua, Nữ sinh, Kính Vạn hoa, Phòng trọ ba người, Thằng quỷ nhỏ, Hoa hồng xứ khác, Bồ câu không đưa thư, Trại hoa vàng… với lối viết hài ước dí dỏm gần gũi với lứa tuổi này.

Sách dành cho tuổi mới lớn là vấn đề mà các bậc phụ huynh và nhà trường quan tâm. Để các em có được một vốn tri thức phù hợp mà vẫn hấp dẫn được các em đó không phải là vấn đề dễ dàng với những người làm sách.

Tại cuộc khảo sát với học sinh một trường ở Hà Nội về việc bạn có biết Tủ sách tuổi mới lớn, thì có tới 65% trả lời không biết, 27% trả lời đã từng nghe nói đến và chỉ có 6% trả lời đã từng đọc. Một cuộc khảo sát khác với học sinh hai trường THCS về “ba cuốn sách bạn đọc gần đây” thì đa số các tác phẩm đều thuộc loại giải trí, dễ đọc, gây cười…

(Theo gdtd)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.