Phát triển nông nghiệp và công nghiệp Hậu Giang: Những bước tiến dài

Là tỉnh thuần nông, Hậu Giang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, nhập nội, nhân giống có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường trong canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nhằm giảm tổn thất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.

Bước tiến dài của ngành nông nghiệp Hậu Giang

Cây mía là cây thế mạnh của tỉnh

Sau hơn 8 năm thành lập (2004), đến nay tỉnh Hậu Giang đã bắt nhịp cùng sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Trong những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh đã chọn 5 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm, rau màu) và 5 con (trâu, bò, heo, gia cầm, thủy sản) để phát triển theo chiều sâu, tập trung tạo bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp. Qua đó, đã khẳng định một số loại đặc sản nông nghiệp của tỉnh và bước đầu tạo thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến như: bưởi năm roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đồng, lúa Hậu Giang 2 (HG2). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp) tăng bình quân 4,55%/năm.

Trên cơ sở định hướng cây trồng, vật nuôi chủ lực vốn có, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Cũng như khai thác tốt lợi thế so sánh các vùng sinh thái, phát triển các loại cây con thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Từ đó đã định hình các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao: 32.000ha, vùng nguyên liệu mía: 10.300ha, vùng nguyên liệu khóm: 1.500ha, vùng cây ăn trái đặc sản: 2.500ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung: 1.500ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đặc biệt, cây lúa giữ vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp của tỉnh thuần nông Hậu Giang. Sản phẩm này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh nhà phát triển. Diện tích canh tác lúa hàng năm trên địa bàn Hậu Giang ổn định ở mức trên 82.000ha. Tăng trưởng sản xuất lúa thể hiện qua việc tăng năng suất 1,6%/năm và sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận trong quá trình sản xuất lúa của Hậu Giang là tổ chức thành công Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất năm 2009. Chính lễ hội tôn vinh hạt lúa mang tầm cỡ quốc gia này đã tạo nên bước đột phá cho hạt lúa, hạt gạo tiếp tục vươn xa.

Bên cạnh đó, thông qua các vùng nguyên liệu, sản xuất chuyên canh, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tập trung chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn, khu vực. Trong đó, có ứng dụng chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP trong canh tác lúa, cây ăn trái hay tiêu chuẩn SQF 1000CM trên cá tra… Ngoài ra, quan tâm xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho ruộng, vườn; đầu tư trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất. Cũng với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tháng 8/2012 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang có diện tích 5.200ha, trong đó diện tích khu vực trung tâm là 415ha, diện tích khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 4.785ha. Tại đây sẽ hình thành khu trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cũng hình thành phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, từ đó làm mô hình để mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho cả vùng.

Trong giai đoạn tiếp theo, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện về nông nghiệp theo hướng bền vững, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là lực lượng kỹ sư nông nghiệp về nông thôn nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp

Cũng từ khi mới chia tách tỉnh (năm 2004) Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 KCN và 5 cụm công nghiệp tập trung (CCNTT) với tổng diện tích 1.877,93ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 1.399,96ha. Đến nay tại các KCN, CCNTT trên địa bàn tỉnh có 38 dự án đầu tư (gồm 35 dự án trong nước và 3 dự án nước ngoài) với tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 47.689,03 tỷ đồng và ngoài nước là 648,7 triệu USD; tổng diện tích đất đăng ký sử dụng là 978,11ha, chiếm 69,8% diện tích đất công nghiệp.

Xác định phát triển công nghiệp là con đường ngắn nhất để Hậu Giang dịch chuyển cơ cấu kinh tế nên tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đầu tư và phát triển. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp ở tỉnh ngày càng phát triển mạnh, năm 2012 giá trị sản xuất thực hiện đạt 5.170 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, vượt gần 11% so với kế hoạch. Ngoài ra tỉnh cũng luôn linh động trong thu hút, kêu gọi đầu tư trên cơ sở chọn lọc từng dự án sao cho phù hợp định hướng phát triển của từng địa phương. Hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm thực hiện có trọng điểm, xác định rõ lĩnh vực nào là quan trọng, phù hợp với địa phương; khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp thay đổi công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, địa phương cũng luôn lắng nghe, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Hậu Giang đặc biệt là đầu tư vào các KCN, CCNTT./.

VEN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.