Nhãn, vải Việt Nam sắp vào thị trường Mỹ

4 loại trái cây của Việt Nam có thể sẽ được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ, trước mắt sẽ là nhãn và vải. Phía Mỹ sẽ tuyên bố quyết định này trong thời gian sớm nhất.

Đó là thông báo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sau cuộc làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Với thị trường lớn và đặc biệt khó tính như Mỹ, đây là quyết định quan trọng đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam, bởi từ trước đến nay, mới chỉ có thanh long và chôm chôm là đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Những vùng nhãn nổi tiếng của Việt Nam như Hưng Yên đã hồ hởi đón nhận thông tin này.

“Nhãn mà được xuất đi nước ngoài, nhất là các nước phát triển thì bà con nông dân rất phấn khởi, bởi lẽ nếu bán ra nước ngoài thì sẽ cao hơn nhiều lần so với nội địa, lượng và chất xuất khẩu sẽ cao hơn, mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng nhãn”, ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm HTX nhãn lồng Hồng Nam, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật – người trực tiếp đàm phán với Mỹ về xuất khẩu trái cây, đây không phải là chuyện đơn giản. Cụ thể, đơn vị xuất khẩu phải trả lời được hàng loạt yêu cầu liên quan đến biện pháp canh tác như: thống kê danh mục các dịch hại, các loại sâu bệnh, các loại thuốc hóa học, sinh học được sử dụng, biện pháp thu hoạch, quy trình đóng gói và các biện pháp bảo quản sau thu hoạch…

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, sau khi Mỹ có văn bản chính thức đối với nhãn và vải, quota xuất khẩu sẽ không hạn chế, số lượng tùy thuộc vào các nhà nhập khẩu Mỹ. Ngoài vùng nhãn Hưng Yên, Bộ NN&PTNT đặt kỳ vọng nhiều vào vùng nhãn ĐBSCL, vựa nhãn có đủ khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn của Mỹ.

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu 2 loại trái cây là thanh long và chôm chôm vào thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu thường xuyên lên tới hơn 100 triệu USD/năm. Năm 2013, xuất khẩu rau quả đang đặt mục tiêu lần đầu tiên cán mốc 1 tỉ USD./.

(Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.